Ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm

Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm, tại Cửa khẩu quốc tế Cha Lo (tỉnh Quảng Bình) và Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (tỉnh Nghệ An), ước tính mỗi tuần có khoảng 60.000 con gà đẻ thải loại nhập lậu từ biên giới, tương đương 720 tấn/tháng, trong đó, nhiều gà có nguồn gốc Thái Lan.

Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn bắt giữ gà giống nhập lậu. Nguồn: NNVN.

Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn bắt giữ gà giống nhập lậu. Nguồn: NNVN.

Đại diện Cục Chăn nuôi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, hiện giá lợn giống ở Việt Nam đang cao hơn ở Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, chỉ thấp hơn Philippines và Indonesia. Do đó, có hiện tượng nhập lậu lợn từ Thái Lan vào Việt Nam, sau đó “tẩy trắng nguồn” để kiếm lời.

Tại cuộc họp liên ngành về phòng chống buôn lậu gia súc, gia cầm, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho rằng vấn nạn nhập khẩu gây thiệt hại rất lớn cho ngành chăn nuôi.

“Người nông dân ít thông tin, gom góp được chút vốn mua con gà, con vịt về nuôi tăng gia. Mấy hôm sau lăn ra chết sạch. Biết đền ai. Ai đền cho? Xót xa lắm chứ. Tôi nói thế để các cán bộ ở địa phương đừng bàng quan, đừng thờ ơ, đừng cả nể mà để nông dân lâm cảnh khó khăn” - ông Tiến nói và cho biết, tại một số địa phương gần biên giới, có tình trạng một số cơ sở nhập con giống gia cầm như gà, vịt về rồi bán sang địa phương khác.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, tình trạng buôn lậu, nhập lậu gia súc gia cầm đang rất phức tạp, thế nhưng hầu như chỉ thấy các cơ quan trung ương vào cuộc, chưa thấy địa phương chủ động có phát hiện, báo cáo. Nhất là các tỉnh biên giới, cần có sự vào cuộc của các lực lượng chức năng ở cửa khẩu và nội địa.

“Đề nghị Cơ quan Công an vào cuộc xử lý nghiêm, thậm chí xử lý hình sự nếu đủ chứng cứ với các trường hợp buôn lậu gia súc, gia cầm. Cục Thú y sẽ tham mưu Bộ để gửi văn bản đến từng địa phương, đề nghị địa phương quản lý chặt” - ông Long nói.

Còn theo Chánh Thanh tra Bộ NNPTNT Nguyễn Trường Sơn, buôn lậu, gốc rễ nguyên nhân là do chênh lệch giá cả. Còn việc bày bán công khai là trách nhiệm của sở NNPTNT từng địa phương.

Đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) cho biết, khi các lực lượng chức năng "làm mạnh" ở cửa khẩu đường bộ, thì các đối tượng buôn lậu sẽ chuyển sang đường biển. Đề nghị Bộ NNPTNT có văn bản gửi các địa phương, để các địa phương giám sát chặt hơn với gia súc, gia cầm lậu.

Theo lãnh đạo Bộ NNPTNT, vấn nạn nhập lậu gia súc gia cầm không chỉ dừng ở nông dân trực tiếp chăn nuôi, mà còn ảnh hưởng tới cả ngành chăn nuôi nói chung. Từ đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, cần làm nghiêm, làm triệt để, thậm chí xử lý hình sự các đối tượng tiếp tay buôn bán gia súc, gia cầm nhập lậu. Nông dân và doanh nghiệp cần được bảo vệ theo đúng quy định pháp luật. Cùng với việc ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia súc gia cầm, cần tập trung phát triển sản xuất con giống chất lượng cao, giảm giá thành, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh ở biên giới, phục vụ xuất nhập khẩu.

Lê Bảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ngan-chan-nhap-lau-gia-suc-gia-cam-10279461.html