Ngăn chặn nhập lậu lợn qua biên giới An Giang
Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện, bắt giữ các vụ nhập lậu lợn từ Cam-pu-chia vào các huyện biên giới An Giang. Từ tháng 10 đến nay, đã có 16 vụ nhập lậu lợn bị phát hiện, xử lý, trong đó riêng tại vùng biên giới huyện An Phú là 14 vụ.
Trong khi dịch tả lợn châu Phi đang được kiểm soát, việc nhập lậu lợn không chỉ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh cho đàn lợn trong tỉnh.
Đại tá Lý Kế Tùng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho biết, tối 17-11, Tổ công tác chống buôn lậu của Đồn Biên phòng Nhơn Hội, huyện An Phú tuần tra trên tuyến biên giới phát hiện một chiếc thuyền máy chạy từ hướng Cam-pu-chia về biên giới An Giang có nhiều nghi vấn nên chặn lại kiểm tra. Tổ công tác phát hiện trong thuyền máy có 30 con lợn nên yêu cầu người điều khiển phương tiện là Lương Văn Hội, 34 tuổi, trú tại xã Phú Hội, huyện An Phú xuất trình hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc số lợn này. Hội đã khai nhận, do gần đây lợn trong nước có giá nên nhập lậu 30 con lợn này từ Cam-pu-chia đưa vào An Giang tiêu thụ. Tổ công tác đã lập biên bản tịch thu 30 con lợn nhập lậu có tổng trọng lượng 1,8 tấn và bàn giao toàn bộ tang vật cho Đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm huyện An Phú tiêu hủy.
Trước đó, tối 16-11, tổ công tác Đồn Biên phòng Phú Hữu, huyện An Phú kiểm tra buôn lậu trên tuyến biên giới đã kiểm tra một thuyền máy do Nguyễn Văn Hùng, 43 tuổi, trú tại huyện An Phú điều khiển, bên trong thuyền có 53 con lợn. Hùng khai nhận số lợn này mua từ Cam-pu-chia rồi đưa về An Giang để bán kiếm lời. Tổ công tác đã lập biên bản thu giữ tang vật, bàn giao cho Đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm huyện An Phú tiêu hủy.
Từ đầu tháng 11 đến nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang đã bắt giữ năm vụ buôn lậu lợn từ Cam-pu-chia về Việt Nam, tịch thu 165 con lợn với tổng trọng lượng gần 12 tấn, xử phạt vi phạm hành chính các đối tượng vận chuyển lợn lậu số tiền 130 triệu đồng. Theo Đại tá Lý Kế Tùng, huyện An Phú với nhiều ngõ ngách, kênh rạch giáp với Cam-pu-chia nên nhiều đối tượng đã lợi dụng đêm tối dùng thuyền máy, thuyền gỗ chở lợn nhập lậu vào Việt Nam.
Theo ngành chức năng, xảy ra tình trạng nhập lậu lợn là do giá lợn trong nước cao, chênh lệch so với giá lợn bên Cam-pu-chia. Từ lời khai của các đối tượng bị bắt giữ cho thấy, giá lợn giữa Việt Nam và Cam-pu-chia chênh lệch vài chục nghìn đồng một kg, như vậy cứ một tấn lợn hơi nhập lậu thành công các đối tượng buôn lậu sẽ thu về hàng chục triệu đồng. Dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán, tình hình nhập lậu lợn vào Việt Nam càng gia tăng, diễn biến phức tạp, các đối tượng sẽ tìm mọi cách nhập lậu lợn vào Việt Nam.
Chi cục trưởng Thú y tỉnh An Giang Trần Tiến Hiệp cho biết, từ đầu tháng 10 đến ngày 19-11, ngành chức năng đã phát hiện xử lý 16 vụ vận chuyển lợn nhập lậu từ Cam-pu-chia vào Việt Nam. Mặc dù các mẫu lợn nhập lậu qua xét nghiệm đều âm tính với dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh. Thời quan qua, dịch tả lợn châu Phi bùng phát, toàn tỉnh An Giang đã phải tiêu hủy hơn 28 nghìn con lợn, gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi. Đến nay, dịch tả lợn châu Phi đang được kiểm soát thì lại nổi lên tình trạng nhập lậu lợn, sẽ rất dễ lây lan dịch bệnh cho đàn lợn còn lại.
Theo Chi cục trưởng Trần Tiến Hiệp, đàn lợn ở An Giang hiện còn hơn 95 nghìn con. Để ngăn chặn lợn nhập lậu từ Cam-pu-chia vào Việt Nam, hiện nay chốt kiểm dịch tạm thời đặt tại phường Vĩnh Ngươn, TP Châu Đốc tích cực hoạt động ngăn ngừa vận chuyển lợn nhập lậu lọt qua cửa ngõ huyện An Phú đưa vào lò giết mổ ở Châu Đốc hoặc các huyện lân cận tiêu thụ. Tuy nhiên, trong việc kiểm tra ngăn ngừa lợn nhập lậu, ngoài vai trò của ngành thú y, biên phòng, quản lý thị trường, công an còn đòi hỏi sự phối hợp, nâng cao trách nhiệm của các địa phương để có thể đạt hiệu quả cao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, để ngăn ngừa tình trạng nhập lậu lợn qua biên giới, UBND tỉnh An Giang đã ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ở khu vực biên giới. Theo đó, yêu cầu UBND các huyện, thị xã và thành phố, các sở, ban, ngành có liên quan triển khai thực hiện những nội dung như: Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn không bảo đảm an toàn; chấm dứt tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm từ lợn ra, vào trên địa bàn.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Cục Quản lý thị trường tỉnh tiến hành chỉ đạo ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm từ lợn ở khu vực biên giới ra, vào địa bàn tỉnh; chủ động chia sẻ thông tin với cơ quan thú y các cấp trong tỉnh về công tác phòng, chống nhập lậu lợn, các sản phẩm từ lợn, phối hợp với cơ quan thú y chuyên ngành trong chỉ đạo tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định hiện hành. Cục Quản lý thị trường thành lập các đoàn công tác trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm trong tỉnh để kiểm tra việc tổ chức triển khai các biện pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật ra, vào trên địa bàn tỉnh.