Ngăn chặn nhập lậu phế liệu, không để Việt Nam thành 'bãi rác' của thế giới

Trong thời gian qua, tình trạng nhập lậu phế liệu vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nan giải với nhiều thủ đoạn, cách thức mới gây ra không ít khó khăn cho cơ quan chức năng và những hệ lụy xấu đến kinh tế - môi trường. Thậm chí, nếu không quyết liệt ngăn chặn, Việt Nam có nguy cơ trở thành 'bãi rác' của thế giới.

Hoạt động mạnh trên tuyến vành đai biên giới giáp Campuchia

Theo đánh giá của Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), tình trạng buôn lậu phế liệu diễn ra phức tạp với khối lượng ngày càng lớn. Được biết, mặt hàng phế liệu nhập vào Việt Nam chủ yếu là các loại phế liệu nhựa, sắt, giấy, lon nhôm ép thành khối... Đây là mặt hàng đặc thù nên cơ quan hải quan rất khó khăn trong việc phát hiện thủ đoạn gian lận của các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu.

Đáng chú ý, kể từ khi Chính phủ siết chặt việc nhập khẩu phế liệu qua đường cảng biển thì các đối tượng chuyển hướng sang đường biên giới đất liền.

Đặc biệt, ở dọc tuyến vành đai biên giới Tây Nam giáp với Campuchia, tình hình buôn lậu mặt hàng phế liệu có dấu hiệu diễn biến phức tạp hơn cả, nhất trong mùa nước nổi. Các đối tượng buôn lậu thường tập kết hàng bên kia cửa khẩu phía Campuchia, sau đó vận chuyển bằng nhiều phương tiện để đưa vào Việt Nam tiêu thụ cho các cơ sở sản xuất, tái chế.

Thời gian qua, lực lượng hải quan đã phối hợp bắt giữ nhiều vụ vận chuyển phế liệu từ Campuchia vào nội địa tiêu thụ. Điển hình, thông tin từ Cục Hải quan Đồng Tháp cho hay vừa chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng triệt phá một vụ tập kết 5,1 tấn phế liệu sắt thép tại địa điểm bãi đất trống đối diện cầu Kênh Sườn 2 thuộc ấp Giồng Bàng, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự.

Cụ thể, lô hàng vừa phát hiện là sắt, thép, phế liệu các loại được tháo rời từ các chi tiết máy tuốt lúa, máy kéo nông nghiệp. Khi phát hiện Tổ tuần tra kiểm soát từ xa, các đối tượng vận chuyển hàng lậu bỏ trốn về phía Campuchia.

Theo xác minh ban đầu từ cơ quan hải quan, lợi dụng đêm tối, các đối tượng buôn lậu tập trung hàng sát biên giới phía bên Campuchia rồi dùng xe cải tiến vận chuyển trái phép vào Việt Nam tập kết tại cánh đồng tiếp giáp biên giới Việt Nam - Campuchia, chờ cơ hội thuận lợi chuyển vào nội địa tiêu thụ. Cơ quan hải quan đã lập biên bản chứng nhận, tạm giữ để xác minh, làm rõ.

Nhập lậu phế liệu gia tăng sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Ảnh: TL

Có thể thấy, các đối tượng buôn lậu thường thực hiện một số phương thức, thủ đoạn gian lận trong nhập khẩu phế liệu như: làm giả, tẩy xóa, sửa đổi các văn bản, giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để hợp thức hóa hồ sơ; khai sai tên hàng, mã số hàng hóa khác với tên hàng, mã số hàng hóa là phế liệu; lợi dụng sơ hở về cơ chế, chính sách để nhập khẩu số lượng lớn phế liệu không đủ điều kiện, quy chuẩn; dùng địa chỉ "ma" để nhập phế liệu về các cảng biển; sử dụng kết quả giám định hợp thức hóa, chứng minh hàng hóa nhập khẩu không phải phế liệu để "né" các chính sách quản lý đối với phế liệu; nhập khẩu các lô hàng rác thải sau đó từ chối nhận hàng nhằm thu lợi từ các đối tượng ở nước ngoài...

Quyết liệt ngăn chặn, xử lý triệt để nhập lậu phế liệu

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các cơ quan hải quan địa phương, các đơn vị nghiệp vụ của ngành Hải quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu, xử lý nghiêm các hành vi gian lận, nhập khẩu phế liệu không đáp ứng về điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, cơ quan hải quan cũng chủ động xây dựng và triển khai nhiều kế hoạch kiểm soát rủi ro, phòng chống buôn lậu, kiểm tra sau thông quan, giám sát quản lý đối với mặt hàng phế liệu nhập khẩu.

Trong thời gian tới, để ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận trong nhập khẩu phế liệu, kiên quyết không để Việt Nam trở thành "bãi rác" của thế giới, lực lượng hải quan sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng siết chặt kiểm soát cửa khẩu, biên giới, kiểm tra địa điểm tập kết, thu gom…để xử lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, cơ quan hải quan sẽ tập trung rà soát và thực hiện sát sao các quy định về quản lý nhập khẩu phế liệu; kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu; giám sát chặt chẽ các lô hàng, đảm bảo đúng điều kiện, tiêu chuẩn.

Ngoài ra, cơ quan hải quan sẽ tăng cường phối hợp liên ngành quản lý nhập khẩu phế liệu; cung cấp, trao đổi thông tin với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng trên tuyến biên giới về chính sách trao đổi hàng hóa, không để lợi dụng mua bán, vận chuyển trái phép phế liệu qua biên giới.../.

Tố Uyên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ngan-chan-nhap-lau-phe-lieu-khong-de-viet-nam-thanh-bai-rac-cua-the-gioi-104165.html