Ngăn chặn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái

Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang đến gần, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, cũng là lúc các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái 'lộng hành'. Ðể bảo vệ người dân và doanh nghiệp, cơ quan chức năng cần có giải pháp mạnh để đấu tranh với loại tội phạm này.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa vi phạm. Ảnh: ÐỨC VIỆT

Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa vi phạm. Ảnh: ÐỨC VIỆT

Vừa qua, Công an tỉnh Ðồng Nai đã khám xét 16 địa điểm, bắt giữ hàng tấn hàng hóa, thực phẩm các loại có dấu hiệu làm giả các thương hiệu nổi tiếng để tung ra thị trường tiêu thụ trong dịp Tết sắp đến. Trong quá trình khám xét tại những điểm kiểm tra, công an thu giữ hơn 10 tấn hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ và nhiều phương tiện dùng để đóng gói, bao bì, nhãn mác dùng để sản xuất hàng giả. Ðây chỉ là một trong những sự việc nổi cộm diễn ra trong năm 2021 và đầu năm 2022 trên cả nước. Tại các địa phương khác, trong năm 2021, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả Nghệ An đã bắt giữ, xử lý 7.251 vụ buôn lậu hàng giả; lực lượng quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra xử lý hơn 1.320 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng gian, hàng giả..., xử phạt hành chính gần 29,5 tỷ đồng…

Vấn nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái diễn ra trong thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Hành vi này làm giảm uy tín các thương hiệu, ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của nhãn hiệu nổi tiếng và có thể gây mất lòng tin đối với người tiêu dùng. Hàng giả, hàng nhái không chỉ gây thiệt hại về mặt kinh tế do uy tín thương hiệu bị ảnh hưởng, mất thị phần, giảm sút lợi nhuận mà nghiêm trọng hơn là triệt tiêu động lực sáng tạo về trí tuệ của các doanh nghiệp nói riêng và của xã hội nói chung, thậm chí khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thậm chí dẫn đến phá sản.

Theo Nghị định số 98/2020/NÐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hàng giả gồm: Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký; hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa…

Lực lượng quản lý thị trường một số địa phương cho biết, hiện nay, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn tiếp diễn và ngày càng gia tăng. Các đối tượng sản xuất, buôn bán ngày càng có những thủ đoạn tinh vi nhằm che mắt các cơ quan chức năng. Một số thương hiệu uy tín vừa ra mắt sản phẩm mới thì mặt hàng đó đã bị làm giả, làm nhái, bán tràn lan trên thị trường. Thời điểm cuối năm, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán cận kề, khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, các hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả lại càng gia tăng.

Theo luật sư Bùi Ðình Bản (Ðoàn Luật sư thành phố Hà Nội), sản xuất hàng giả là hành vi sản xuất ra các loại hàng hóa tiêu dùng không bảo đảm chất lượng, đúng kiểu dáng, nhãn hiệu và chất lượng đã đăng ký, hoặc nhái lại nhãn hiệu của hãng nổi tiếng đã đăng ký bản quyền,... Buôn bán hàng giả là hành vi mua hàng biết rõ là hàng giả với giá rất rẻ và dùng các thủ đoạn gian dối để bán cho người tiêu dùng với giá của hàng thật. Theo Ðiều 192, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người nào sản xuất, buôn bán hàng giả trị giá từ 20 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng có thể bị phạt tù từ 1 đến 5 năm. Nếu phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức, hàng giả trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn… có thể bị phạt tù từ 5 đến 10 năm. Với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả có giá thành sản xuất từ 100 triệu đồng trở lên, thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên, gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên có thể nhận mức án từ 7 đến 15 năm tù.

Thời gian tới, nhất là khi dịp Tết Nguyên đán 2022 đến gần, để ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán hàng giả, các cơ quan chức năng cần chủ động triển khai các biện pháp đấu tranh và kịp thời phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm; hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm của thương hiệu; đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… Ðối với doanh nghiệp, cần có những hành động mạnh mẽ khẳng định chủ quyền thương hiệu trước pháp luật; đăng ký sở hữu trí tuệ với thương hiệu, khi xảy ra tranh chấp hay vi phạm sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp cần nhanh chóng nộp đơn lên cơ quan có thẩm quyền để nhận được sự bảo hộ từ phía các cơ quan hành pháp; chủ động khiếu nại khi bản quyền trí tuệ bị vi phạm. Ðối với người tiêu dùng, cần trang bị cho bản thân những kiến thức cần thiết để phân biệt được hàng chính hãng và hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi của chính mình và chung tay chống lại hàng giả, hàng nhái; chủ động chia sẻ và phản hồi khi phát hiện cơ sở kinh doanh kém chất lượng…

NGỌC HIẾU và HOÀNG PHAN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bandoc/ngan-chan-san-xuat-buon-ban-hang-gia-hang-nhai-682485/