Ngăn chặn sớm các mối nguy về an toàn thực phẩm
Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng ở Nghệ An đã liên tục thành lập nhiều đoàn kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.
Cơ sở ăn uống ở khu du lịch biển đảm bảo tốt an toàn thực phẩm
Thực hiện Kế hoạch số 236/KH-UBND và Quyết định số 980/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An, từ ngày 15/4 đến nay, đoàn liên ngành của tỉnh đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm trong dịp "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2025.
Đối tượng kiểm tra là các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm và dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Một trong những trọng điểm kiểm tra là các cơ sở dịch vụ ăn uống tại các điểm, khu du lịch.

Đoàn liên ngành của tỉnh đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm tại địa bàn huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).
Cụ thể, ngày 8/5, đoàn liên ngành kiểm tra một số cơ sở dịch vụ ăn uống tại khu du lịch biển Quỳnh, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Tại nhà hàng B.H, đoàn đã kiểm tra kỹ lưỡng các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt chú trọng đến nguồn gốc thực phẩm và việc chấp hành quy trình chế biến. Đây là một trong những nhà hàng lớn tại khu vực bãi biển Quỳnh Bảng, với quy mô phục vụ trên 150 suất ăn/ngày.
Chủ nhà hàng B.H cho biết: "Vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề sống còn trong ngành dịch vụ ăn uống. Vì vậy, chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm các quy định và quy trình chế biến món ăn, đảm bảo 10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng". Đơn cử, nhà hàng đã đầu tư hệ thống máy rửa bát, hấp sấy với tổng trị giá trên 100 triệu đồng. Thực phẩm đều có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi các đơn vị có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Đoàn liên ngành đánh giá cao công tác đảm bảo an toàn thực phẩm của nhà hàng B.H nói riêng và các cơ sở dịch vụ ăn uống ở khu du lịch biển Quỳnh nói chung. Các cơ sở có đầy đủ hồ sơ hành chính, pháp lý; người lao động đều có giấy khám sức khỏe và được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm. Nhiều cơ sở thực hiện tốt các điều kiện đảm bảo theo quy định. Bên cạnh đó, đoàn cũng đã có những nhắc nhở, hướng dẫn để các cơ sở tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ.

Đoàn liên ngành đánh giá cao công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại một số cơ sở ăn uống ở các khu du lịch biển.
Tiếp đó, ngày 9/5, đoàn tiếp tục kiểm tra các cơ sở dịch vụ ăn uống, khách sạn, nhà hàng lớn tại Cửa Lò (TP Vinh). Tại đây, bác sĩ Trần Nguyên Truyền – Chánh Thanh tra Sở Y tế, Phó Trưởng đoàn liên ngành cho biết: "Các cơ sở đều chấp hành tốt các quy định về lưu mẫu thức ăn, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, có đầy đủ giấy chứng nhận điều kiện an toàn thực phẩm, hợp đồng lao động và giấy khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên phục vụ…".
Trước đó, ngày 17/4, đoàn đã kiểm tra tại Công ty cổ phần Vinpearl Cửa Hội (VinWonder Cửa Hội). Tại thời điểm kiểm tra cho thấy doanh nghiệp này đảm bảo tốt các điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định (VinWonder Cửa Hội hiện là khu vui chơi lớn nhất tỉnh Nghệ An, thu hút lượng lớn du khách trong mùa du lịch).
Thành lập nhiều đoàn kiểm tra, siết chặt công tác an toàn thực phẩm
Bên cạnh đoàn liên ngành cấp tỉnh, các địa phương cũng thành lập nhiều đoàn kiểm tra, giám sát công tác an toàn thực phẩm.
Ông Hồ Thế Thành – Phó Trưởng phòng Y tế huyện Quỳnh Lưu thông tin, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (15/4 - 15/5) và mùa du lịch, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, chủ cơ sở và người tiêu dùng cũng như thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành hoạt động liên tục, xử lý nghiêm các vi phạm, không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào. Đến nay, đã xử lý vi phạm 4 cơ sở, phạt tiền 60 triệu đồng.
Thực tế cho thấy, hiện nay vẫn đang còn nhiều cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm. Đó là Công ty cổ phần Dịch vụ suất ăn công nghiệp Nam Thắng (địa chỉ ở xóm 6, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên có hành vi vi phạm sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đeo khẩu trang và cống rãnh thoát nước khu vực nhà bếp không được che kín); Công ty cổ phần Thực phẩm Tứ Phương (địa chỉ ở xóm Tân Kiều, phường Hồng Sơn, TP Vinh có hành vi vi phạm sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đầy đủ bảo hộ lao động và khu vực chứa đựng thực phẩm không đầy đủ kệ để thực phẩm theo quy định).
Chi nhánh Công ty cổ phần đầu tư Thế giới Sữa tại Nghệ An (phường Hưng Lộc, TP Vinh), thực hiện không đầy đủ về theo dõi nhiệt độ đối với sản phẩm có yêu cầu bảo quản đặc biệt tại kho bảo quản; Hộ kinh doanh xưởng sản xuất Kyodo Foods (thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn) công ty chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm thịt khi khu vực kho bảo quản không có kệ để sản phẩm, không bố trí riêng biệt theo quy định của pháp luật về nơi thay đồ bảo hộ.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với 4 cơ sở vi phạm nêu trên và chuyển hồ sơ cho các cơ quan chức năng đề nghị ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo đúng thẩm quyền, với tổng số tiền 52 triệu đồng.

Hàng ngàn lu chứa giá đỗ ngâm hóa chất mà 4 cơ sở sản xuất vừa bị Công an Nghệ An triệt phá.
Nguy cơ mất an toàn thực phẩm vẫn hiện hữu
Tháng 4/2025, Công an Nghệ An đã bắt giữ, khởi tố 4 đối tượng - chủ 4 cơ sở sản xuất giá đỗ về hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Các đối tượng này đã sử dụng chất cấm là hóa chất 6-Benzylaminopurine tưới vào các lu giá đỗ trong quá trình sản xuất nhằm để giá đỗ to, mập, ngắn rễ và đẹp mắt hơn, bán thu lợi nhuận cao hơn. Từ năm 2024 đến thời điểm bị bắt, các đối tượng đã sản xuất và bán ra thị trường 3.500 tấn giá đỗ thành phẩm có sử dụng hóa chất 6-Benzylaminopurine ngâm, tưới giá đỗ. (Hóa chất 6-Benzylaminopurine có nhiều tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiếp xúc, trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến xơ phổi, thậm chí tử vong).

Chi cục QLTT Nghệ An phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện, xử lý gần 500kg chân gà, đuôi lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngoài ra, Chi cục QLTT Nghệ An phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện, xử phạt nhiều cơ sở kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xử. Cụ thể, ngày 13/5, Đội QLTT số 3 (Chi cục QLTT Nghệ An) phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện, xử lý gần 500kg chân gà, đuôi lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ. Điều đáng nói tên Công ty TNHH xuất nhập khẩu thực phẩm sạch NK nhưng lại kinh doanh kinh doanh 350kg chân gà, 125kg đuôi lợn đông lạnh không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số hàng hóa nêu trên.
Trước đó, ngày 30/4, Chi cục QLTT Nghệ An phát hiện cơ sở kinh doanh hơn 500kg bột ngọt có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu và không rõ nguồn gốc xuất xứ tại hộ kinh doanh Đ.T.H. (khu vực Tây chợ Vinh, phường Vinh Tân).
Bác sĩ Trần Nguyên Truyền – Chánh Thanh tra Sở Y tế, Phó trưởng Đoàn liên ngành tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: "Chúng ta tuyệt đối không được chủ quan trước nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Mỗi người dân cần trở thành một 'người tiêu dùng thông thái', biết lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, kiểm tra hạn sử dụng và tránh xa những sản phẩm có dấu hiệu bất thường.
Đồng thời, nên hạn chế các món tái, gỏi khi đi du lịch, và tích cực phối hợp với cơ quan chức năng bằng cách phản ánh, tố giác các hành vi vi phạm. Đặc biệt, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải đặt đạo đức, lương tâm và trách nhiệm lên hàng đầu để mang đến sản phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng".
Đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An thông tin, vừa qua đoàn kiểm tra 25 cơ sở (11 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; 14 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống gồm: 3 bếp ăn tập thể; 1 cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp) và 10 nhà hàng, nhà hàng trong khách sạn.
Kết quả có 19 cơ sở đạt. Số cơ sở vi phạm là 4 cơ sở; 1 cơ sở đã được đội Quản lý thị trường số 3 xử phạt; 1 cơ sở Đoàn chuyển hồ sơ cho UBND thị xã Thái Hòa tiếp tục kiểm tra và xử lý theo quy định.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với 4 cơ sở vi phạm và chuyển hồ sơ cho các cơ quan chức năng đề nghị ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo đúng thẩm quyền, với tổng số tiền 52 triệu đồng.
Mua nhầm thuốc giả, trả giá bằng sức khỏe thật.