Ngăn chặn sự lệch chuẩn về văn hóa ứng xử trong không gian mạng

Phát ngôn gây sốc, đăng tải những thông tin sai sự thật, lăng mạ, hạ nhục người khác, lan tỏa những thông tin vô bổ, tiêu cực… là hàng loạt những hành vi ứng xử thiếu văn hóa đang có chiều hướng gia tăng trên không gian mạng thời gian qua. Đáng nói, 'chủ nhân' của những hành vi lệch chuẩn ấy là một bộ phận không nhỏ nghệ sĩ và giới trẻ. Điều này gây nên nhiều hệ lụy và những tác động tiêu cực trong xã hội.

Toàn cảnh Tọa đàm.

Toàn cảnh Tọa đàm.

Với mong muốn đẩy lùi tình trạng trên, góp phần chung tay xây dựng văn hóa ứng xử đẹp, văn minh trên không gian mạng, Tọa đàm “Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ” đã được Trung tâm tổ chức biểu diễn nghệ thuật và sự kiện văn hóa (Nhà hát Lớn Hà Nội), Công ty cổ phần truyền thông Việt Nam Like và Công ty LeBros phối hợp tổ chức ngày 19/4 tại Hà Nội.

Phát biểu tại tọa đàm, Giáo sư, Tiến sĩ Từ Thị Loan (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho rằng: Tọa đàm đã rất đúng và trúng khi lựa chọn hai đối tượng “nghệ sĩ” và “giới trẻ” để trao đổi. Bởi với độ nổi tiếng, tầm ảnh hưởng, những phát ngôn, hình ảnh, hành động của nghệ sĩ luôn thu hút được sự chú ý cũng như tạo tác động lớn tới đông đảo người dùng mạng. Trong khi đó, giới trẻ với thế mạnh về công nghệ cũng đang là lực lượng chủ đạo sử dụng mạng xã hội, tạo ra sự lan tỏa, tương tác thông tin rất lớn trên không gian mạng.

Theo bà Từ Thị Loan, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có dân số sử dụng mạng xã hội tích cực nhất trên thế giới. Nhưng theo khảo sát mới công bố của Microsoft, Việt Nam nằm trong số năm quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng. Đây là hồi chuông báo động cho văn hóa ứng xử của người Việt trên không gian mạng.

Giáo sư, Tiến sĩ Từ Thị Loan trao đổi tại Tọa đàm.

Giáo sư, Tiến sĩ Từ Thị Loan trao đổi tại Tọa đàm.

Thời gian qua, thông qua sức mạnh của mạng xã hội, nhiều nghệ sĩ đã có những hành động đẹp gắn liền các dự án nghệ thuật, thiện nguyện, từ đó củng cố thêm tình yêu, niềm tin trong lòng công chúng. Những người trẻ cũng luôn chứng minh là lực lượng đi đầu trong lan tỏa những thông điệp sẻ chia, nhân văn trong cộng đồng…

Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận nghệ sĩ hay người trẻ tuổi lợi dụng mạng xã hội để câu view, câu like, đánh bóng bản thân theo hướng phản cảm, quảng cáo cho những sản phẩm không rõ nguồn gốc, đăng tải những thông tin vô bổ, tiêu cực, sử dụng những lời lẽ thiếu văn hóa trên mạng xã hội…, dẫn đến những hệ lụy khó kiểm soát. “Thực trạng này đòi hỏi phải có những giải pháp để cảnh tỉnh, để “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, nếu không sẽ rất nguy hại”, bà Từ Thị Loan khẳng định.

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty LeBros phân tích: Những con người bình thường khi xuất hiện trên không gian mạng rất dễ trở thành quan tòa phán xét cuộc sống của người khác, từ đó tạo ra tác động tâm lý rất lớn đến đối tượng bị phán xét. Trên mạng xã hội, người ta thường không dễ chấp nhận mình thua bởi chung quanh có quá nhiều người đang quan sát, là khán giả cổ vũ họ.

“Vì thế, những con chữ từ bàn phím rất có thể trở thành vũ khí phá nát cuộc đời, cuộc sống của người khác. Giới trẻ là đối tượng ít có khả năng miễn nhiễm với những tấn công trên mạng xã hội bằng ngôn từ, nên chịu tác động tâm lý vô cùng lớn”, ông Vinh nhận định.

Theo ông Lê Quốc Vinh, để dọn “rác” ứng xử trên mạng xã hội, chính cộng đồng mạng, người dùng mạng phải có ý thức tạo ra lưới lọc để hạn chế những thông tin tiêu cực ảnh hưởng đến cuộc sống của mình. Lưới lọc ấy cần được xây dựng dựa trên các yếu tố: sự thật - sự tử tế - tính hữu dụng để từ đó, người dùng mạng biết chọn gì để nghe, để nói và chuyển tải cho người khác.

Để dọn “rác” ứng xử trên mạng xã hội, chính cộng đồng mạng, người dùng mạng phải có ý thức tạo ra lưới lọcđể hạn chế những thông tin tiêu cực ảnh hưởng đến cuộc sống của mình. Lưới lọc ấy cần được xây dựng dựa trên các yếu tố: sự thật - sự tử tế - tính hữu dụng để từ đó, người dùng mạng biết chọn gì để nghe, để nói và chuyển tải cho người khác.

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty LeBros

Để chấn chỉnh tình trạng ứng xử lệch chuẩn trên không gian mạng, nhất là của nghệ sĩ, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Quyết định 512/QĐ-BTTTT năm 2023 về Kế hoạch hành động cập nhật Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021-2025, trong đó có nội dung xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với nghệ sĩ, KOLs có hành vi vi phạm pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục. Năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương cho biết, hiện nay, các vi phạm về ứng xử của nghệ sĩ trên không gian mạng đang được xử lý theo quy định của Luật An ninh mạng, Luật khoa học và công nghệ, Nghị định hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Thời gian tới, về phía quản lý nhà nước sẽ có nhiều biện pháp xử lý quyết liệt hơn. Hiện tại, ngành văn hóa đang phối hợp một số bộ, ngành để có quy chế phối hợp quản lý người hoạt động văn hóa nghệ thuật tốt hơn.

Ở góc độ của người hoạt động nghệ thuật, người mẫu Hạ Vy cho rằng cơ quan chức năng có thể nghiên cứu để có những chế tài mạnh mẽ hơn, như khóa tài khoản facebook, Youtube, TikTok của các cá nhân vi phạm để cảnh báo. “Họ có thể lập tài khoản mới để sử dụng nhưng tôi tin sau vài lần bị xử lý, họ sẽ buộc phải có ý thức chấn chỉnh”, Hạ Vy chia sẻ. Cô cũng cho rằng các bậc phụ huynh cần quan tâm đến con em mình nhiều hơn nữa, trở thành những người bạn trên mạng của các con để kịp thời đưa ra lời khuyên, sự uốn nắn nếu phát hiện thấy con có ứng xử lệch chuẩn trên môi trường mạng.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ngan-chan-su-lech-chuan-ve-van-hoa-ung-xu-trong-khong-gian-mang-post748630.html