Ngăn chặn tàu biển chở hàng hóa cố tình chở hành khách ra đảo Phú Quốc
Nhiều doanh nghiệp và người dân đi lại trên tuyến phà Hà Tiên – Phú Quốc cho hay, hiện có tình trạng nhiều đơn vị vận tải cố tình dùng loại tàu chở hàng hóa để chở hành khách ra đảo Phú Quốc.
Tàu cao tốc SuperDong chạy tuyến biển của Công ty Cổ phần Tàu cao tốc SuperDong. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN
Những năm gần đây, nhu cầu vận tải biển từ đất liền ra đảo Phú Quốc tăng khá cao; số lượng hàng hóa và khách du lịch cũng ngày một tăng. Do vậy, việc đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình vận tải luôn được các doanh nghiệp và cơ quan Cảng vụ tỉnh Kiên Giang kiểm tra một cách sát sao.
Theo báo cáo từ Cảng vụ tỉnh Kiên Giang, tỉnh có nhiều cảng bến nội địa như Rạch Giá-Phú Quốc, Hà Tiên-Phú Quốc…; trong đó, Hà Tiên- Phú Quốc là điểm cảng có thể hoạt động được phà chở khách, hàng hóa và ô tô thực hiện theo quy định pháp luật về hàng hải.
Còn tại điểm Rạch Giá-Phú Quốc hiện khai thác chủ yếu tàu cao tốc chuyên chở khách. Loại phà được phép chở khách và hàng hóa có thể vận chuyển ô tô từ 200 tấn trở lên.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp và người dân đi lại trên tuyến phà Hà Tiên – Phú Quốc cho hay, hiện có tình trạng nhiều đơn vị vận chuyển bằng tàu xà lan SB (sông pha biển) không đảm bảo đủ chất lượng và an toàn. Loại hình tàu này được cấp phép chỉ để chở hàng hóa, không được phép chở hành khách và đi không quá 12 hải lý từ bờ.
Ông Nguyễn Ngọc Thới, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thạnh Thới cho rằng, khi đi ra biển thì yếu tố quan trọng an toàn là trên hết, do đó những doanh nghiệp muốn làm ngành nghề này thì nên đóng tàu biển chứ không nên đóng tàu SB (sông pha biển). Bởi hiện nay khu vực Hà Tiên có những tàu không có giấy phép là phà biển nhưng họ vẫn ghi là phà biển. Như vậy, điều này làm cho hành khách nhầm lẫn.
“Đi trên những tàu đó rất nguy hiểm bởi vì quy định của cục đăng kiểm đối với những tàu đó gọi là tàu sông chứ không phải tàu biển. Mà tàu sông đi ra ngoài biển thì kết cấu không an toàn. Còn như các tàu hoạt động của doanh nghiệp đạt cấp Tiêu chuẩn Hạn chế 2 (được phép hoạt động cách bờ hoặc nơi trú ẩn không quá 50 hải lý) ", ông Nguyễn Ngọc Thới cho biết.
Ông Vũ Xuân Huyền, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ thương mại vận tải đại lý tàu biển Bình An cũng cho biết, để đảm bảo an toàn cho hành khách cũng như công bằng cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, chính quyền và cơ quản lý cần có cuộc rà soát. Qua đó, bắt buộc các chủ tàu phải thực hiện đúng quy định của nhà nước về vận tải. Việc lựa chọn nhà đầu tư cũng cần được lựa chọn chặt chẽ để có thể lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực trong phát triển cầu cảng, kinh doanh vận tải từ đảo ra bờ.
Phản ánh của nhiều doanh nghiệp cũng cho hay, với số tiền đầu tư ít hơn, những tàu này có mua sắm các thiết bị an toàn, quy cách kỹ thuật của tàu thua kém hơn so với phà chở người và hàng hóa được cấp phép Biển Hạn chế 2. Thế nhưng bất chấp các quy định của Bộ Giao thông vận tải, loại hình tàu này vẫn hoạt động với cách thức như các phà chở khách, không có công trình bến bãi chuyên dụng theo quy định.
Theo tính toán của các doanh nghiệp kinh doanh phà biển tại Hà Tiên, trị giá mỗi phà chở khách được thiết kế và đóng mất từ vài chục đến hàng trăm tỉ đồng. Đơn cử, 2 chiếc phà của Công ty cổ phần vận tải Bình An Hà Tiên được thuê thiết kế theo mẫu của Hàn Quốc kết hợp với động cơ Mỹ, hệ truyền động của Đức, chân vịt Nhật và các trang thiết bị mang chuẩn quốc tế.
Ông Vũ Xuân Huyền cho rằng, cần có những cuộc họp hiệp hội của tất cả các doanh nghiệp đang vận tải ngành này với nhau, cùng định hướng, tránh gây thiệt hại cho những doanh nghiệp vận tải chân chính và nhầm lẫn cho người dân. Đồng thời, có chế tài xử lý với những tàu không đúng tiêu chuẩn...
Ông Vũ Thanh Hải, Giám đốc Cảng vụ tỉnh Kiên Giang cho biết, theo quy định, chất lượng và quy cách của mỗi chiếc phà đều được giám sát một cách chặt chẽ, phà chở khách và hàng hóa phải được cách ly, có khu vực riêng. Ngoài ra, các phà còn đảm bảo quy định không được chở hàng cháy nổ, mùi hôi thối, động vật dịch bệnh…
Mỗi chiếc phà trước khi xuất bến đều có 3 lực lượng là cán bộ hàng hải, biên phòng cùng thuyền viên giám sát việc hành khách mang hàng xuống phà, cũng như vấn đề an toàn của từng chiếc phà.
Từ phản ánh hoạt động của các doanh nghiệp vận tải biển tại địa phương, Cảng vụ hàng hải Kiên Giang đã kiểm tra công tác kiểm soát tải trọng và hoạt động chất xếp hàng hóa lên phương tiện vận chuyển tại bến thủy nội địa…
Nhưng trong thời gian tới, ông Vũ Thanh Hải cho hay, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển về cảng biển và dịch vụ vận tải từ đảo ra bờ. Trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp thực sự có năng lực thực sự để có thể đưa ra những sản phẩm ưu việt phục vụ tốt nhất cho hành khách và du khách.
“Tỉnh sẽ thực hiện kiểm tra, rà soát một cách thường xuyên hơn, lập kế hoạch định kỳ, trước mỗi mùa mưa bão, lễ Tết kết hợp với đột suất để chấn chỉnh lại hoạt động của các đơn vị kinh doanh vận tải trái quy định, đảm bảo an toàn cho hành khách và công bằng cho các đơn vị kinh doanh vận tải làm ăn chân chính”, ông Vũ Thanh Hải nói.
Cảng vụ Kiên Giang cũng sẽ phối hợp với Ban An toàn giao thông, cảnh sát đường thủy, chi cục đăng kiểm, thanh tra giao thông thành lập một đoàn thường xuyên đi kiểm tra. Ở đây vừa kiểm tra vừa yêu cầu khắc phục, đồng thời hướng dẫn cho thuyền viên trên tàu hoàn thiện những kỹ năng về sử dụng trang thiết bị cứu sinh cứu hỏa cho vấn đề an toàn. Cùng với đó, từng bước thực hiện việc bảo đảm an toàn hàng hải trên tuyến bờ ra đảo càng ngày càng được nâng cao.