Ngăn chặn thực phẩm bẩn tại Hà Tĩnh dịp Tết
Như thường lệ, cứ thời điểm cận Tết Nguyên đán thị trường thực phẩm lại sôi động, tấp nập tuy nhiên bên cạnh những sản phẩm sạch, vẫn còn nhiều thực phẩm kém chất lượng không rõ nguồn gốc, xuất xứ gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Điểm mặt để tẩy chay thực phẩm bẩn
Từ những vụ việc thực phẩm bẩn được điểm mặt chỉ tên của các lực lượng chức năng trên địa bàn Hà Tĩnh trong thời gian qua như, làm giả trà xanh, mỡ động vật, nội tạng bẩn…cho thấy vẫn cần thêm những nỗ lực từ phía các cơ quan chức năng.
Theo lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) Hà Tĩnh, bên cạnh hàng giả, hàng nhái, hàng lậu như các loại thực phẩm, rượu, bia, bánh kẹo, dịp cuối năm các đối tượng vi phạm còn tập trung vào mặt hàng sản phẩm như quần áo thời trang, thuốc tân dược, thuốc lá, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thực phẩm khô...
Chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng chức năng Hà Tĩnh liên tục chặn đứng nhiều vụ sản xuất, vận chuyển thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ...ồ ạt tấn công thị trường. Đơn cử như ngày 12/1 vừa qua, đội QLTT số 4 kiểm tra cơ sở kinh doanh giò chả do bà Nguyễn Thị Nguyệt làm chủ, ở phường Hưng Trí, Thị xã Kỳ Anh, có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Qua kiểm tra phát hiện 443 kg mỡ lợn đã qua sơ chế, toàn bộ số hàng hóa trên đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Theo lời khai của bà Nguyệt là mua số hàng hóa trên trôi nổi trên thị trường, mua về để bán lại kiếm lời nên không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Trước đó, Công an phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh vừa phát hiện được cơ sở sản xuất trà xanh Tân Cương giả tại ngõ 22, đường Nguyễn Hằng Chi (phường Trần Phú- TP Hà Tĩnh) do Nguyễn Thị Lan (SN 1966, quê quán Phú Xuyên, TP Hà Nội) thuê vừa ở vừa sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra đã phát hiện 160kg trà xanh phơi khô không rõ nguồn gốc. Trong đó, có 65kg chưa đóng bao, 95kg đã đóng bao mang nhãn hiệu “Trà xanh Tân Cương” (Thái Nguyên). Ngoài ra, tại hiện trường còn có 14kg bao bì dùng để đóng gói, 1 chiếc cân và 1 máy đóng gói.
Làm việc với lực lượng chức năng, Nguyễn Thị Lan không chứng minh được lô hàng có nguồn gốc hợp pháp.Bà Lan khai nhận mua hàng trôi nổi từ các tỉnh Thái Nguyên và Nghệ An, sau đó đưa về Hà Tĩnh tiến hành đóng gói giả “Trà xanh Tân Cương” (Thái Nguyên) để bán lại nhằm mục đích kiếm lời.
Tiếp đến, có thể kể đến vụ bắt quả tang hộ ông Phạm Lĩnh (Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) chế biến 120kg mỡ động vật vào chiều 20/12/2020. Số mỡ này không có nguồn gốc xuất xứ, không được bảo quản đúng quy trình và không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Phạm Lĩnh khai nhận, số mỡ do gia đình ông trực tiếp thu từ một lò mổ trên địa bàn. Do chủ lò mổ chưa có biện pháp xử lý số mỡ thừa nên gia đình ông mang về chế biến và bán lại cho một người ở Hà Nội về thu mua tại địa phương.
Cũng tại Hà Tĩnh, Đội Cảnh sát Kinh tế - Công an thành phố Hà Tĩnh phát hiện tại cơ sở kinh doanh của ông Mai Sỹ Hoạt (xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) đang sản xuất, chế biến mỡ bò thành phẩm với trọng lượng khoảng 280 kg, được đựng trong 7 bao tải. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được bất cứ hồ sơ thủ tục nào liên quan đến số mỡ trên. Các bao tải đựng mỡ thành phẩm không được bảo quản đúng quy trình, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Hoạt khai nhận, toàn bộ số mỡ trên đều là mỡ bò tươi được mua từ lò mổ phường Văn Yên (TP. Hà Tĩnh) với giá khoảng 2.000 đồng/kg. Sau khi chế biến, đun nấu lại sẽ cho ra mỡ thành phẩm, sau đó bán lại cho các thương lái ở Nghệ An, Hà Nội... với giá dao động từ 4.000 - 4.500 đồng/kg.
Những vụ việc trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ gia tăng thực phẩm bẩn, thực phẩm không đảm bảo chất lượng xâm nhập vào thị trường tiêu dùng dịp cuối năm.
Liên ngành “bắt tay” ngăn chặn thực phẩm bẩn
Áp Tết, nhu cầu về thực phẩm tăng mạnh, đặc biệt sức mua các loại thịt gia súc, gia cầm tăng đột biến, là thời điểm ‘vàng’ cho những tiểu thương làm ăn bất chính tranh thủ tuồn những thực phẩm bẩn vào thị trường tiêu thụ, hòng thu lời lớn.
Nhiều lô hàng thực phẩm bẩn như thịt gia súc, gia cầm thối, thịt hết hạn, mỡ động vật không đảm bảo vệ sinh, rượu giả... bị lực lượng liên ngành phát hiện, bắt giữ trong thời gian gần đây khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang, lo lắng. Nếu không được cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện thì những loại thực phẩm bẩn được ‘phù phép’ bằng một số phụ gia sẽ biến thành những loại thực phẩm thơm ngon, được đưa ra ngoài thị trường để tiêu thụ.
Lực lượng QLTT Hà Tĩnh cũng cho biết, hiện nay việc mua bán các loại thực phẩm giả, không đảm bảo chất lượng thường được thực hiện online hoặc dưới hình thức chuyển phát nhanh. Việc này gây nhiều khó khăn cho lực lượng trong quá trình kiểm soát.
Ông Phan Văn Hùng – Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Tĩnh cho biết, càng vào những dịp cuối năm, nguy cơ gia tăng thực phẩm bẩn trên thị trường sẽ càng lớn nhất, là tình trạng thực phẩm bẩn vận chuyển qua địa bàn Hà Tĩnh. Mặt khác, ở trên địa bàn tỉnh, số lượng cơ sở chế biến, kinh doanh, buôn bán thực phẩm nhỏ lẻ, manh mún là rất lớn, trong đó có cả cơ sở có phép và cơ sở không phép nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn.
Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hà Tĩnh thông tin: Thành phố là nơi hoạt động kinh doanh, buôn bán lớn, lượng hàng hóa đổ về trên địa bàn nhiều, đặc biệt là trong dịp gần Tết Nguyên đán. Để đảm bảo an toàn cho người dân, đơn vị đã thực hiện kế hoạch mở đợt cao điểm, huy động tối đa lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh với hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại... Sau 1 tháng triển khai, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 12 vụ/12 đối tượng vi phạm, trong đó có 1 vụ hàng giả.
Theo Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Tĩnh - Nguyễn Đình Khoa, để góp phần hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái, cùng với việc tăng cường kiểm tra, xử phạt của các cơ quan chức năng, vai trò của người tiêu dùng rất quan trọng. Người tiêu dùng là kênh thông tin, phản ánh, tố giác với lực lượng chức năng để kịp thời xử lý những hành vi kinh doanh hàng giả. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần vào cuộc, chủ động phối hợp với cơ quan chức năng chống các hành vi làm hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng trong việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm góp phần đẩy lùi nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại. Tuy nhiên để có một cái Tết an toàn, lành mạnh lãnh đạo cục QLTT Hà Tĩnh cũng khuyến cáo người tiêu dùng cần nêu cao cảnh giác trong lựa chọn và tiêu dùng hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm dịp Tết. Để đảm bảo ATVSTP, tốt nhất, người tiêu dùng nên mua thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tại những cơ sở uy tín.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngan-chan-thuc-pham-ban-tai-ha-tinh-dip-tet-151048.html