Ngăn chặn tin giả về Covid-19: Cơ quan chức năng cần lên tiếng kịp thời
Cơ quan chức năng có trách nhiệm hướng dẫn cho người dân một cách dễ hiểu, đơn giản nhất tin giả, tin thật, cách kiểm tra, cách tiếp nhận thông tin đầy đủ, chính xác, tránh việc chia sẻ nhầm, chia sẻ có hại cho cộng đồng.
Tình hình dịch bệnh Covid 19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp, cả nước đang chung sức thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch. Tuy nhiên, vẫn có không ít người vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh trong đó có hành vi tung tin giả về dịch bệnh làm ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội.
Tình trạng phát tán tin giả gia tăng do dịch phức tạp
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian gần đây, tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống COVID-19 có dấu hiệu gia tăng, trong đó tập trung chủ yếu vào việc kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tung tin sai sự thật về hiệu quả các loại vaccine COVID-19; xuyên tác chính sách phân bổ, cung cấp vaccine của Chính phủ; việc sử dụng quỹ vaccine phòng, chống COVID-19; diễn biến dịch bệnh tại điểm nóng như TP.HCM và các tỉnh miền Nam; xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương. Nhiều thông tin có nguồn từ các video clip của những người cách ly, người dân trong khu vực bị giãn cách phong tỏa.
Việc xuất hiện nhiều thông tin xấu, độc được phát tán tràn lan trên không gian mạng đã làm giảm niềm tin của người dân vào công tác phòng, chống dịch bệnh, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội.
Ngày 2/8 Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội đã phát đi thông báo phản bác các thông tin không đúng, sai sự thật về việc người dân chỉ được ra ngoài 7 ngày/lần. Trước đó vào ngày 15/7 Bộ Y tế cũng đã lên tiếng bác bỏ thông tin trên mạng xã hội lan truyền đoạn tin nhắn được cho là của Bộ Y tế cung cấp thông tin về một nghiên cứu của Singapore cho rằng, COVID-19 là một loại vi khuẩn bị nhiễm phóng xạ gây ra đông máu và làm chết người. Tin nhắn còn khẳng định, có thể điều trị COVID-19 bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và chống đông máu.
Mới đây, chủ tài khoản của Facebook Hằng Nguyễn đã bị thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM xử phạt hành chính 5 triệu đồng vì đăng thông tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại TPHCM.
Ngay trong ngày hôm qua 28/9, Trung tâm Xử lý Tin giả Việt Nam (VAFC) đã đưa ra cảnh báo về tin tức giả đang lan truyền trên mạng xã hội. Cụ thể, thông tin giả có nội dung như sau: “Vừa rồi đồng nghiệp của tôi nhận được một cuộc gọi hỏi rằng anh ấy đã được tiêm phòng chưa. Nếu anh ta tiêm phòng, hãy nhấn phím 1; nếu anh ta chưa được tiêm phòng, nhấn phím 2. Kết quả là anh ta nhấn phím 1, điện thoại bị chặn và thông tin ngân hàng trực tuyến và thẻ thanh toán swk thường xuyên sử dụng của anh ta đều được chuyển”. Qua kiểm tra, xác minh từ cơ quan chức năng, VAFC khẳng định nội dung thông tin trên là giả mạo. Nhà chức trách khuyến cáo người dân và cộng đồng mạng không chia sẻ tin giả nêu trên.
Trong dòng chảy thông tin về dịch bệnh, rất nhiều người muốn tham gia thể hiện mình là người nhạy cảm với thời cuộc, có tác động đến xã hội nên họ không ngần ngại tung tin hoặc chuyển tiếp qua mạng xã hội các tin thiếu chính xác, sai khoa học liên quan đến đại dịch.
Bên cạnh đó, còn có không ít tài khoản facebook đăng tải bài viết sai sự thật về tình hình dịch bệnh COVID-19 với mục đích nhằm câu view, câu like, thuận lợi cho bán hàng online. Tuy nhiên, họ không thể lường hết được hậu quả do việc phát tán các tin giả trên truyền thông xã hội.
Không chỉ đưa những thông tin sai sự thật về tình hình COVID-19, thời gian gần đây một số trường hợp còn đăng tải, chia sẻ trái phép thông tin cá nhân của những người bị nhiễm, nghi nhiễm SARS- CoV-2 và cả những người thuộc diện phải cách ly y tế lên mạng xã hội. Từ đó, không ít trường hợp bị cộng đồng mạng săn lùng như tội đồ với nhiều suy diễn, bình luận, công kích, thậm chí bị bịa đặt, xuyên tạc, bôi nhọ danh dự.
Tin giả về đại dịch và phòng chống dịch COVID-19 có thể xuất phát từ sự vô ý, tùy tiện, thiếu trách nhiệm hoặc chủ ý của người tạo ra và đưa tin nhằm phá hoại và trục lợi về kinh tế, làm cản trở, giảm uy tín, hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ quan và cả xã hội trong phòng, chống dịch bệnh.
Nhiều biện pháp ngăn chặn tin giả được triển khai
Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã, đang quyết liệt triển khai các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các thông tin giả, thông tin sai sự thật.
Ngày 17/6/2021 Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng xã hội.
Bộ Quy tắc hướng đến xây dựng chuẩn đạo đức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam. Đây là bộ khung cơ sở để các tổ chức, địa phương, cơ quan, đơn vị, ban ngành dựa vào đó đưa ra các quy định của mình và có điều kiện ràng buộc với những người trong phạm vi cơ quan, tổ chức đó.
Ngày 23/7/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành văn bản về việc thực hiện Nghị quyết số 78 của Chính phủ về tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về COVID-19 trên mạng gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Văn bản đề nghị những đơn vị này thực hiện nghiêm túc về quy định phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, cử người phát ngôn, chủ động cung cấp thông tin trong mọi tình huống; Bảo đảm thông tin được cung cấp nhanh nhất, không bị động, bất ngờ, tuân thủ kỷ luật phát ngôn, thống nhất đầu mối phát ngôn, tránh tình trạng cùng một sự việc nhưng các ngành, các địa phương lại phát ngôn không thống nhất dẫn đến việc bị suy diễn, xuyên tạc.
Theo Nghị định 15 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thì hành vi đưa thông tin sai sự thật trên mạng, đặc biệt là tình hình dịch bệnh sẽ được xử lý nghiêm.
Luật sư Trần Tuấn Anh, đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội thông tin, ngoài việc xử lý các vi phạm hành chính theo Nghị định 15, những hành vi gây hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị coi là hành vi phạm tội và bị xử lý theo bộ luật hình sự.
Theo nhiều chuyên gia, để hạn chế tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng nói chung, mạng xã hội nói riêng, bên cạnh các công cụ pháp luật, giải pháp nâng cao ý thức của các cấp ngành, doanh nghiệp và người sử dụng vẫn là quan trọng nhất. Bởi, chỉ khi nào mỗi người sử dụng đều tự giác dùng mạng xã hội một cách văn minh mới đẩy lùi được thông tin xấu độc.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đề nghị, người dân cảnh giác chọn lọc thông tin, không nên chia sẻ những thông tin chưa được xác thực, thiếu cơ sở. Trong trường hợp phát hiện người tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội người dân cần thông tin ngay cho cơ quan công an để xử lý kịp thời.
“Năm 2020 đã kịp thời ra Nghị định 15 để đảm bảo cho việc chống dịch của chúng ta. Ở đó đã quy định rất chi tiết các hành vi, thậm chí mức chế tài xử phạt trong Nghị định này cũng đã cao hơn rất nhiều so với các mức xử phạt trước đó. Về mặt nhận thức tuyên truyền, cơ quan chức năng có trách nhiệm hướng dẫn cho người dân một cách dễ hiểu, đơn giản nhất tin giả, tin thật, cách kiểm tra, cách tiếp nhận thông tin đầy đủ, chính xác, tránh việc chia sẻ nhầm, chia sẻ có hại cho cộng đồng"- ông Truyền nêu quan điểm./.