Ngăn chặn tình trạng đánh bắt thủy sản bằng xung điện

Góp phần phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững, nhằm chấm dứt tình trạng sử dụng chất nổ xung điện, chất độc trong khai thác thủy sản, UBND tỉnh vừa ban hành Công văn 418 yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm trong khai thách, đánh bắt thủy sản.

Góp phần tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững, hàng năm, Chi cục Thủy sản luôn phối hợp với các địa phương tổ chức thả cá vào các thủy vực tự nhiên.

Góp phần tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững, hàng năm, Chi cục Thủy sản luôn phối hợp với các địa phương tổ chức thả cá vào các thủy vực tự nhiên.

Vĩnh Phúc được thiên nhiên ban tặng đủ 3 vùng cảnh quan gồm miền núi, trung du và đồng bằng; có sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy chảy qua và hệ thống đầm, hồ phân bố rải rác khắp trên địa bàn tỉnh. Đây là điều kiện thuận lợi cho nguồn lợi thủy sản tự nhiên của tỉnh tự tái tạo, phát triển.

Những năm gần đây, nguồn thủy sản tự nhiên của tỉnh đang suy giảm do tình trạng khai thác, đánh bắt thủy sản không đúng quy định. Một số loại có giá trị kinh tế như cá Dầm xanh, cá Anh vũ có nguy cơ tuyệt chủng, làm ảnh hưởng đến sản lượng khai thác thủy sản tự nhiên trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, vẫn còn nhiều trường hợp sử dụng xung điện, kích điện để đánh bắt thủy sản. Sự việc trên không chỉ vi phạm pháp luật, hủy hoại nguồn lợi thủy sản tự nhiên mà còn nguy hiểm đến cả tính mạng con người.

Căn cứ Chỉ thị số 1/1998 của Thủ tướng Chính phủ về nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản và tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản, từ năm 1998, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Chỉ thị số 12 chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước được tăng cường, hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng điện, chất độc, chất nổ để khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện từng bước có hiệu quả.

Năm 2016, Công an tỉnh đã xây dựng Đề án số 331 về phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc, ngư cụ bị cấm để đánh bắt, khai thác thủy sản.

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, giai đoạn 2012 - 2020, Chi cục Thủy sản tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành chức năng kiểm tra, phát hiện và xử lý hơn 600 trường hợp sử dụng xung điện để khai thác thủy sản; vận động người dân giao nộp, thiêu hủy 519 bộ công cụ kích điện, xử phạt hành chính 126 đối tượng.

Cùng với đó, hằng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Chi cục Thủy sản phối hợp với các địa phương tổ chức thả bổ sung các giống loài thủy sản vào thủy vực tự nhiên nhằm khôi phục khả năng tự tái tạo nguồn lợi thủy sản, tạo cân bằng sinh thái, ổn định quần xã thủy sinh vật ở các thủy vực trên địa bàn tỉnh.

Theo kế hoạch, năm 2023, chi cục thực hiện thả 3.000 kg cá giống các loại tại các thủy vực như sông, đầm, hồ, trong đó ưu tiên thả bổ sung tại các thủy vực tự nhiên trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện kiểm tra, kiểm soát quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại thủy vực tự nhiên sông, suối, hồ, đầm, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn trong năm theo quy định và tại các điểm thả bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường, Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an tỉnh), chính quyền các địa phương thực hiện kiểm tra, trong đó tập trung vào các địa bàn trọng điểm, vào thời gian cao điểm diễn ra các hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Để tăng cường, đẩy mạnh công tác triển khai thực hiện hiệu quả Luật Thủy sản, công tác quản lý Nhà nước, góp phần ngăn chặn và tiến tới chấm dứt tình trạng sử dụng chất nổ xung điện, chất độc trong khai thác thủy sản, phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững, ngày 23/6/2023, UBND tỉnh đã ban hành văn bản 4818 yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai đến nhân dân về ý nghĩa của việc quản lý, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản; tác hại của việc sử dụng điện, chất độc, chất nổ để khai thác thủy sản.

Cùng với đó, chủ động xây dựng kế hoạch, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, sử dụng trái phép chất nổ, xung điện, chất độc và ngư cụ cấm để khai thác thủy sản.

Bài, ảnh: Hồng Tính

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/96022//ngan-chan-tinh-trang-danh-bat-thuy-san-bang-xung-dien