Ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển, tàng trữ, chế biến động vật rừng trái pháp luật
Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, tuyên truyền các địa điểm kinh doanh, mua bán động vật rừng tại các huyện, thị xã, thành phố 18 lượt và các cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống và mua bán chim cảnh, cho ký cam kết không được kinh doanh, mua bán, chế biến, tàng trữ động vật rừng trái phép.
Tình trạng săn, bắt, mua, bán, xâm hại, vận chuyển trái pháp luật nhiều loài động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm đang làm gia tăng nguy cơ tuyệt chủng nhiều giống, loài, gây mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống. Đòi hỏi các cấp, các ngành và mọi người dân phải tăng cường thực hiện các biện pháp, nhiệm vụ cấp bách để bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm; trong đó, công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 144 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã với mục đích thương mại, trong đó có 96 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã quý hiếm thuộc nhóm IB (nhóm động vật rừng đang bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm cấm khai thác) và 48 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã thông thường.
Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tuyên truyền đến người dân những văn bản và quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ các loại động vật- nhất là các loài quý, hiếm, nguy cấp, được ưu tiên bảo vệ. Qua đó, giúp người dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ các loại động vật rừng, đồng thời đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, tuyên truyền các địa điểm kinh doanh, mua bán động vật rừng tại các huyện, thị xã, thành phố 18 lượt và các cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống và mua bán chim cảnh, cho ký cam kết không được kinh doanh, mua bán, chế biến, tàng trữ động vật rừng trái phép.
Ngoài việc thanh tra các cơ sở gây nuôi động vật rừng, các nhà hàng, quán ăn mua bán, chế biến động vật rừng, Chi cục Kiểm lâm còn phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra các tụ điểm mua bán động vật hoang dã tại các khu vực chùa, đền thờ, các khu vực ven trục lộ giao thông. Từ đầu năm đến nay, Chi cục tổ chức 13 lượt kiểm tra tại khu vực cầu Nổi huyện Châu Thành, khu vực cầu K13 huyện Dương Minh Châu, khu vực chùa Gò Kén, thị xã Hòa Thành. Qua kiểm tra, đơn vị chưa phát hiện sai phạm, tuy nhiên, đơn vị có yêu cầu các hộ kinh doanh ven trục lộ giao thông làm bản ghi nhớ không buôn bán các loài động vật rừng không có nguồn gốc hợp pháp.
Chi cục Kiểm lâm thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23.7.2020 về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã. Từ ngày thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg, Chi cục Kiểm lâm đã xây dựng kế hoạch và thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, phát hiện 10 trường hợp tàng trữ, mua bán, vận chuyển, nuôi nhốt động vật hoang dã không có nguồn gốc hợp pháp; tịch thu tổng cộng 292 cá thể chim và các loại bò sát gồm: nhồng, diều trắng, chim ứng xám, vẹt ức hồng, chim cắt, chem chép, sóc, thằn lằn núi, rắn ráo trâu, rắn sọc dưa.
Các vụ việc trên, cơ quan Kiểm lâm đã xử lý hành vi vi phạm hành chính theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25.4.2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Trong đó có 1 vụ Công an đã khởi tố hình sự về tàng trữ 39 cá thể đồi mồi là động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã, đến nay, các cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh đã đến Chi cục Kiểm lâm để giao nộp tổng cộng 35 cá thể động vật hoang dã các loại gồm: 1 cá thể rùa đất lớn, 5 cá thể khỉ đuôi dài, 21 cá thể trăn đất, 1 cá thể khỉ đuôi lợn, 1 cá thể khỉ đuôi đỏ, 3 cá thể vượn Pile, 1 cá thể rùa núi vàng, 1 cá thể cá sấu nước ngọt, 1 cá thể chim cổ rắn, 1 cá thể mèo rừng.
Còn nhiều khó khăn
Theo Chi cục Kiểm lâm, mặc dù công tác quản lý động vật rừng ngày càng được tăng cường chặt chẽ hơn, nhưng tình trạng săn bắt, bẫy, mua bán, kinh doanh, vận chuyển và tiêu thụ trái pháp luật các loài động vật hoang dã thông thường và động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm vẫn còn diễn biến phức tạp. Các đối tượng vi phạm có nhiều thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện. Đặc biệt, lợi dụng những quy định thông thoáng trong phát triển gây, nuôi động vật hoang dã, một số nhà hàng ăn uống ở nhiều nơi tiêu thụ thịt thú rừng, sản phẩm của các loài động vật rừng cùng với động vật gây nuôi rất khó phát hiện để xử lý theo quy định.
Theo Chi cục Kiểm lâm, hiện nay, Chi cục chưa có công chức được đào tạo, bồi dưỡng chính về kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, phòng trị bệnh đối với động vật hoang dã. Do đó, việc chăm sóc chủ yếu là cho ăn và phải phối hợp với một số đơn vị chuyên môn hỗ trợ chăm sóc nên khó tránh khỏi việc động vật bị bệnh và chết.
Chi cục Kiểm lâm kiến nghị cơ quan thẩm quyền có ý kiến với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí kinh phí hỗ trợ các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã tại các vườn quốc gia đủ điều kiện tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng các loại động vật hoang tốt hơn.
Tăng cường bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm
Nhằm tăng cường bảo vệ các loài động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm, góp phần bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học, ngày 1.6.2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1721/UBND-KT về triển khai thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTG ngày 17.5.2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường thực hiện các quy định pháp luật có liên quan, đặc biệt là Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Đồng thời, tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững các khu bảo tồn thiên nhiên, các vùng đất ngập nước; Vườn di sản ASEAN (Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát), các tuyến di cư của loài chim hoang dã và điểm dừng chân của loài này; tổ chức triển khai cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn ký cam kết về việc không mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo mẫu động vật hoang dã không bảo đảm nguồn gốc hợp pháp và xử lý nghiêm cá nhân, cơ sở có hành vi vi phạm.
Tăng cường công tác kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn bắt, bẫy, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; tổ chức triệt phá dứt điểm các khu chợ, tụ điểm buôn bán các loài chim hoang dã, di cư trái pháp luật trên địa bàn.
Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không thực hiện các hành vi săn, bắt, bẫy bắn, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ chim hoang dã, di cư; thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; chủ động đấu tranh, tố giác các đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư.
Theo quy định, mọi hành vi săn bắt, giết, nuôi, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã cần phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5 triệu đồng đến 360 triệu đồng (theo quy định tại Điều 21, 22, 23 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp) hoặc có thể bị xử lý hình sự về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã” theo Điều 234, tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm” theo Điều 244, Bộ luật Hình sự.