Ngăn chặn tình trạng thanh thiếu niên hỗn chiến
Mâu thuẫn tình ái, giải quyết khâu oai, bức xúc vì những va chạm nhỏ… rồi lao vào hỗn chiến. Điều này khiến không chỉ nạn nhân hay gia đình họ tổn thất mà còn gây hậu quả nặng nề cho xã hội…
Đến ngày 17-5, Công an quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng vẫn tiếp tục truy xét, làm rõ vụ đánh người dã man giữa trung tâm thành phố.
Nhiều lý do
Qua điều tra, công an xác định trưa 15-5, Nguyễn Ngọc Đạt (16 tuổi, trú quận Hải Châu) cùng bạn đi học về thì bị nhóm 8 người dùng tuýp sắt, chai thủy tinh đuổi đánh. Đạt bị chấn thương sọ não và hôn mê còn người bạn nhanh chân nên thoát nạn. Công an đã làm việc với 4 thiếu niên tuổi từ 14 đến 15. Họ khai trước đó bị nhóm Đạt tấn công nên rủ thêm người "trả đũa".
Tại Đồng Nai rạng sáng 7-5, Phan Thế Anh cùng nhóm 5 người tuổi từ 14 đến 18 kéo tới nhà Nguyễn Hoàng Long (15 tuổi) ở xã Hố Nai cùng dao phay và bom xăng để giải quyết mâu thuẫn. Chiếc ôtô đậu trước cửa nhà Long đã bị nhóm này đốt và đập phá. Thế Anh và các đồng phạm sau đó bị công an bắt vì hành vi "Cố ý làm hư hỏng tài sản".
Ở Bình Dương, Huỳnh Minh Tâm (17 tuổi, ngụ TP Thủ Dầu Một) và người đàn ông tên "Tâm lầy" có mâu thuẫn liên quan việc nẹt pô xe trên đường. Đôi bên đã cãi nhau qua mạng xã hội. Đêm 6-1, nhóm của Huỳnh Minh Tâm chạm trán nhóm "Tâm lầy", hai bên tiếp tục lời qua tiếng lại. Hỗn chiến xảy ra, nhóm Huỳnh Minh Tâm rượt chém gây thương tích cho 3 người.
Cũng mới đây, trong khu du lịch tại phường 10, TP Vũng Tàu, ông Lưu Sên Diếu (TP HCM) mâu thuẫn với Võ Minh Kha (24 tuổi, ở Bình Dương) và bị Kha đánh. Ông Diếu đi về lại chòi của mình kể lại sự việc rồi cùng nhiều người đi sang chòi của nhóm Kha "giải quyết". Sau xô xát, nhiều người nhóm ông Diếu bị Kha đâm phải nhập viện.
Còn tại TP HCM, rạng sáng 7-5, Phạm Minh Hiền, Nguyễn Minh Phúc (29 tuổi) và 2 người bạn đến một quán trên đường Võ Chí Công (phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức) để nhậu và hát karaoke. Bị nhóm 6 người bên cạnh nói mỉa rằng "chỉ boa cho tiếp viên 100.000 đồng", nhóm Phúc phản ứng, hai bên xô xát khiến 1 người tử vong.
Chế tài tương xứng để răn đe
Theo luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình - Đoàn Luật sư TP HCM, nguyên nhân dẫn đến những vụ hỗn chiến thường do mâu thuẫn về tình cảm, tiền bạc, giao tiếp hoặc thậm chí từ những chuyện nhỏ nhặt.
Tội phạm thanh thiếu niên thường mang những đặc trưng như không trong diện quản lý của các tổ chức, đoàn thể; ít học hành, thiếu nghề nghiệp; bố mẹ mải mê kiếm tiền mưu sinh; gia đình không hạnh phúc…
Một phần nữa là do bản thân các em không nhận thức rõ ràng về hành vi của mình. Phần còn lại là trách nhiệm thuộc về gia đình, nhà trường và các tổ chức quản lý. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này thì cần sự can thiệp của người lớn tiếp xúc trực tiếp với trẻ hằng ngày. Vấn đề cải tạo, giáo dục trẻ trong môi trường lành mạnh phải được đặt hàng đầu.
"Đã có các chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật của trẻ em. Tuy nhiên để phòng ngừa, răn đe hơn nữa thì các chế tài ấy cần tương xứng hơn với mức độ nghiêm trọng của hậu quả mà hành vi của trẻ gây ra" - luật sư Hùng nói thêm.
Chuyên gia tâm lý Bùi Quang Minh Nhật, giảng viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic, cho rằng ở lứa tuổi thanh thiếu niên, đặc điểm tâm lý là cực kỳ nhạy cảm. Họ không kiểm soát tốt hành vi, cảm xúc nên dễ bị kích động bởi những lời khích bác từ người khác. Chưa kể, trên không gian số, bạo lực xuất hiện tràn lan nên họ thường nghĩ đến đâm chém nhau mỗi khi xảy ra mâu thuẫn.
"Trước hết, cha mẹ cần hiểu rõ đặc điểm tâm lý của con mình trong mỗi một giai đoạn lứa tuổi, đặc biệt là lứa tuổi dậy thì. Từ đó, trang bị cho các em những kỹ năng sống như quản lý cảm xúc, giao tiếp, giải quyết mâu thuẫn. Đây là hành trang quý giá cho suốt quá trình trưởng thành sau này nữa" - ông Bùi Quang Minh Nhật nói.
Lãnh đạo Công an TP Đà Nẵng yêu cầu bằng mọi giá phải xử lý triệt để, tận gốc các vụ việc thanh thiếu niên gây rối trật tự. Phải xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của toàn lực lượng.
Điểm trừ với địa phương
Cùng gia đình đến Đà Nẵng dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, anh Trần Xuân Thành (trú quận 3, TP HCM) trở về với kỷ niệm không mấy vui vẻ.
Anh Thành kể khoảng 20 giờ 40 phút ngày 29-4, hàng chục thiếu niên đầu trần, chạy xe máy mang theo dao phóng lợn rượt đuổi nhau trên đường Chương Dương hướng từ quận Ngũ Hành Sơn về trung tâm thành phố.
"Vài ngày sau, tôi đọc được thông tin về nhóm thanh thiếu niên do Trần Đình Kiên cầm đầu đã ngang nhiên chém người trong một siêu thị tiện lợi ở đường Phạm Văn Đồng. Các đối tượng còn hô lớn "ai mang áo da chém hết". Thật ghê sợ! Lúc này, cả nhà mới thấy may mắn vì không chạm mặt, ngáng đường nhóm giang hồ nhí vào đêm 29-4. Nếu có, không biết điều gì sẽ xảy ra" - anh Thành nói và cho biết tình hình an ninh trật tự không được bảo đảm là một điểm trừ đối với mọi địa điểm du lịch.
Theo tìm hiểu, việc "chia phe", tìm đồng đội hay hẹn đối thủ thường diễn ra trên mạng xã hội. Nhiều nhóm đến khi tập hợp đội hình mới biết mặt nhau. Các đối tượng thống nhất mang một loại khẩu trang hay dây đeo, che biển số… để khỏi chém nhầm khi "lâm trận". "Thành quả" sau các cuộc truy đuổi, hỗn chiến thường được các nhóm khoe lên Facebook, TikTok kèm theo nhiều thuật ngữ của giới như: cháy phố (đi đua xe), đi sáp, đi bơ (chém nhau, hỗn chiến)…