Ngăn chặn tình trạng trồng cây cần sa trên địa bàn Gia Lai
Cần sa là một loại cây chứa chất ma túy. Pháp luật nước ta đã nghiêm cấm mọi hành vi trồng trọt, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép loại cây này. Thế nhưng, thời gian qua, một số đối tượng vẫn lén lút trồng cây cần sa trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Thực tế đó đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có giải pháp hữu hiệu, quyết liệt ngăn chặn tình trạng này.
Hạt giống bán tràn lan trên mạng
Cần sa hay còn gọi là gai dầu, tài mà, bồ đà, tên khoa học là cannabis. Dù đây là loại cây có chứa chất ma túy, bị pháp luật nước ta cấm trồng, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép nhưng hạt giống cần sa hiện vẫn đang được rao bán công khai tràn lan trên mạng, kèm theo hướng dẫn cặn kẽ về cách ươm giống, gieo trồng cho hiệu quả. Chỉ cần gõ cụm từ “mua hạt giống cần sa” trên trang tìm kiếm Google, nhiều trang web bán hạt giống cần sa hoặc tư vấn về cách trồng loại cây này sẽ hiện ra. Thậm chí, trên mạng internet còn tồn tại những trang web chuyên bán hạt giống cần sa.
Trên mạng xã hội Facebook hiện cũng có nhiều địa chỉ chuyên về bán hạt giống cần sa với rất nhiều người theo dõi. Tại các địa chỉ này, nhiều loại hạt giống cần sa được giới thiệu với giá bán khác nhau và ai cũng có thể đặt mua một cách dễ dàng.
Trong vai một người có nhu cầu mua hạt giống cần sa, chúng tôi đã liên hệ với một tài khoản Facebook. Chủ tài khoản này cho biết sẵn sàng cung cấp nhiều loại hạt giống cần sa nếu khách có nhu cầu. Nếu mua với số lượng lớn, từ 200 hạt trở lên, người mua phải đặt trước và đợi trong một khoảng thời gian. Theo tài khoản này, mỗi hạt cần sa tùy loại có các tên như “kush fem”, “girl souch cookei fem”, “blackberry fem”, “pupler kush”… giá dao động từ 100 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi khách mua hạt giống cần sa đồng ý chốt đơn hàng, các đối tượng sẽ sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để giao hàng. Lúc nhận hàng, khách hàng sẽ thanh toán trực tiếp với nhân viên chuyển phát. Bởi vậy, người mua sẽ không nắm được thông tin cụ thể của người bán hàng. Đối tượng này cũng cho biết sau khi nhận hàng, khách sẽ được liên hệ tư vấn về cách ươm mầm và chăm sóc cây hiệu quả, chỉ trong khoảng 2-3 tháng sẽ cho thu hoạch.
Nỗ lực ngăn chặn
Theo thống kê, từ đầu năm 2019, Công an các địa phương trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 4 vụ trồng cần sa trái phép, trong đó có 2 vụ tại huyện Chư Sê và 2 vụ tại TP. Pleiku. Mới đây, ngày 7-10, Công an huyện Chư Sê đã phát hiện một vụ trồng cần sa lớn tại khu vực suối Ke, làng Ring, xã Hbông, huyện Chư Sê. Đây là khu vực đất rừng, xa khu dân cư thuộc quản lý của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Chư Sê. Tại đây, lực lượng Công an phát hiện có 2.117 cây cần sa đã ra hoa, có chiều cao 1,5-2,4 m, tổng cân nặng khoảng 460 kg được trồng trên diện tích 3.280 m2. Theo nhận định của lực lượng chức năng, số cần sa trên được trồng từ khoảng hơn 2 tháng trước.
Đây là một vụ việc thể hiện rõ thủ đoạn tinh vi của các đối tượng trồng cây cần sa khi lợi dụng vùng rừng núi hoang vắng, ở gần khu vực suối ít người qua lại. Các đối tượng này đã tận dụng thời tiết của mùa mưa để trồng cây cần sa cho đỡ tốn công chăm sóc. Sau một khoảng thời gian nhất định, các đối tượng sẽ quay trở lại thu hoạch chóng vánh rồi rời đi. Bởi vậy, dẫu phát hiện vụ trồng cần sa số lượng lớn nhưng lực lượng Công an cũng rất khó khăn trong xác minh, truy tìm đối tượng liên quan.
Một số đối tượng cũng đã lợi dụng nương rẫy của gia đình để trồng cần sa. Cụ thể, ngày 3-6-2019, Công an huyện Chư Sê đã phát hiện tại đám đất sau vườn của Phạm Viết Khoa (SN 1986) và vợ là Vũ Thị Bích Ly (SN 1988) ở làng Puih Jri, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê có 220 cây cần sa với tổng trọng lượng hơn 54 kg. Qua điều tra xác định, số cần sa trên do anh trai của Ly là Vũ Đình Sơn (SN 1983, trú tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak) nhờ trồng. Trước đó, Sơn đã lên mạng xã hội Facebook tìm mua hạt giống cần sa. Sau khi mua được giống, Sơn trồng nhờ tại rẫy của vợ chồng Ly và nhờ Trần Hải Long (SN 1988, trú tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak) ươm cây, chăm sóc giúp mình. Tại cơ quan Công an, Sơn khai nhận trồng số cần sa trên để… cho heo, gà ăn nhằm phòng ngừa dịch bệnh. Công an huyện Chư Sê sau đó đã ra quyết định xử phạt hành chính Sơn, Long và Ly, mỗi người 3,5 triệu đồng.
Một trường hợp khác cũng trồng cây cần sa trái phép là Phạm Quốc Việt (SN 1983, trú tại thôn 1, xã Biển Hồ, TP. Pleiku). Là đối tượng nghiện ma túy, Việt đã lân la trên mạng xã hội Facebook để hỏi mua hạt giống cần sa về trồng để sử dụng. Sau khi mua được hạt giống của một đối tượng tại TP. Đà Nẵng, Việt đem trồng trong rẫy nhà mình. Đến giữa tháng 8-2019, Công an TP. Pleiku đã phát hiện và thu giữ 15 cây cần sa mà Việt trồng.
Theo Thượng tá Ngô Gia Cường-Phó Trưởng Công an huyện Chư Sê, tình trạng di dân tự do là một trong những nguyên nhân khiến việc trồng cây cần sa lan rộng khi một số người dân tộc thiểu số phía Bắc mang theo hạt giống loại cây này đến vùng đất mới. Bên cạnh đó, đa phần các đối tượng chỉ trồng dưới 500 cây cần sa nên chỉ có thể xử phạt vi phạm hành chính, sức răn đe chưa cao. Do không bắt quả tang được hành vi mua bán cây cần sa nên cơ quan Công an không thể xử lý hình sự các đối tượng.
“Đơn vị đã ra nhiều công văn gửi các xã, thị trấn nhằm thông báo về đặc điểm, cách nhận dạng cây cần sa đến quần chúng nhân dân để chủ động phát hiện và thông báo cho cơ quan chức năng khi phát hiện vụ việc, đối tượng vi phạm. Ngoài ra, Công an huyện cũng yêu cầu Trưởng Công an các xã, thị trấn tiến hành rà soát trên địa bàn, khu vực quản lý, chú ý các nương rẫy xa khu dân cư, khu vực giáp ranh, các điểm gần sông suối nhằm chủ động phát hiện, xóa bỏ các điểm trồng cây có chứa chất ma túy và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm”-Phó Trưởng Công an huyện Chư Sê thông tin thêm.