Ngăn chặn tội phạm từ gốc!
Đầu tháng 3-2024, 4 đối tượng đã dùng súng tự chế cướp tiệm vàng ở huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Đến nay công an đã bắt 2 đối tượng.
Tuần trước, vì mâu thuẫn trong khi mua bán đất, nhóm 5 người ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang dùng dao tự chế đánh nhau làm 1 người chết, 4 người bị thương…
Liên tiếp những vụ việc như trên đã gây bất an xã hội trong thời gian qua. Tình trạng sử dụng hung khí, súng tự chế, công cụ hỗ trợ để cướp, giết người đã đến mức cần báo động. Ngay thời điểm này, chỉ cần lên Google gõ từ khóa "Bán súng bi sắt" sẽ có ngay 665.000 kết quả. Nhiều đối tượng rao bán công khai, có kèm cả clip hướng dẫn lắp ráp, sử dụng. Với giá không cao, giao hàng nhanh chóng, bất cứ ai cũng có thể sở hữu một khẩu súng như thế mà cơ quan chức năng khó có thể kiểm soát được.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, 5 năm qua, toàn quốc phát hiện 28.715 vụ, bắt giữ 48.987 đối tượng sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các loại dao và phương tiện tương tự dao gây án. Trong đó, tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, dao làm công cụ, phương tiện gây án chiếm 94,5% tổng số vụ, 92,8% tổng số đối tượng.
Việc Bộ trưởng Bộ Công an trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi) đề nghị cần thiết phải bổ sung quy định súng tự chế vào nhóm vũ khí quân dụng; dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ đã mang đầy đủ tính chất phòng ngừa đối với các loại tội phạm mang hung khí trên. Tất nhiên, hạn chế hung khí không thể ngăn ngừa hết được tội phạm nhưng điều này sẽ điều chỉnh được hành vi, nhận thức và giảm nguồn tội phạm. Đề xuất này nếu được chấp thuận sẽ nâng cấp quản lý các loại hung khí trên và về mặt pháp luật sẽ tăng nặng hình phạt đối với những ai cố tình vi phạm.
Chúng ta không hão huyền đến mức cho rằng sẽ có biện pháp ngăn ngừa hoàn toàn tội phạm sử dụng hung khí nhưng chúng ta có thể đưa ra những biện pháp ngăn chặn, răn đe hữu hiệu để giảm tối đa tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân. Kiểm soát vũ khí, hung khí là vấn đề mà bất cứ quốc gia nào cũng ưu tiên thực hiện chứ không riêng Việt Nam. Đây là phương pháp gián tiếp và hữu hiệu để hạn chế tối đa các loại vũ khí đến tay những kẻ tội phạm hoặc những người có xu hướng phạm tội.
Theo Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) có trụ sở tại Úc, năm 2023, công bố Chỉ số kinh tế và hòa bình thì Việt Nam xếp thứ 41 trong danh sách 163 quốc gia và vùng lãnh thổ bình yên nhất thế giới, tăng 4 bậc so với năm 2022. Còn theo bảng xếp hạng về chỉ số trật tự và luật pháp toàn cầu do Gallup (nền tảng dẫn đầu về các dịch vụ tư vấn và phân tích toàn cầu), chuyên trang du lịch Travel Off Path của Mỹ đã ca ngợi Việt Nam là quốc gia an toàn nhất để ghé thăm ở châu Á trong năm 2024.
Khác với trước đây, sự thành công của quốc gia thường dựa vào các chỉ số kinh tế và sức mạnh quân sự. Nay, giá trị của quốc gia được đánh giá qua sự bình yên, chỉ số hạnh phúc. Những chính sách nào phục vụ cho cuộc sống hạnh phúc của người dân thì sẽ luôn được họ ủng hộ.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ngan-chan-toi-pham-tu-goc-196240406203940507.htm