Ngăn chặn trẻ vị thành niên phạm tội: Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Theo đánh giá của Công an tỉnh, thời gian gần đây dù các vụ án do người chưa thành niên phạm tội gây ra đã được kiềm chế nhưng tính chất ngày càng phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu được xác định do thiếu sự quan tâm của gia đình, thiếu sự phối hợp quản lý giữa gia đình - nhà trường và những tác động xấu từ nhiều yếu tố ngoài xã hội.

Mô hình phòng xử thân thiện đang được ngành Tòa án trong cả nước áp dụng trong xử lý các vụ vi phạm pháp luật có liên quan đến trẻ vị thành niên nhằm bảo vệ các quyền lợi chính đáng của trẻ vị thành niên. Trong ảnh: Một phiên tòa thực hiện theo mô hình phòng xử thân thiện tại TAND tỉnh. Ảnh: Tố Tâm

Mô hình phòng xử thân thiện đang được ngành Tòa án trong cả nước áp dụng trong xử lý các vụ vi phạm pháp luật có liên quan đến trẻ vị thành niên nhằm bảo vệ các quyền lợi chính đáng của trẻ vị thành niên. Trong ảnh: Một phiên tòa thực hiện theo mô hình phòng xử thân thiện tại TAND tỉnh. Ảnh: Tố Tâm

Trong đó, nhóm người chưa thành niên vi phạm pháp luật chủ yếu tập trung vào các loại tội phạm như: trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản, tàng trữ trái phép chất ma túy, gây rối trật tự công cộng…

* Khi trẻ vị thành niên phạm tội

Hiện nay, nguyên nhân vi phạm pháp luật do người chưa thành niên gây ra chủ yếu xuất phát từ nạn bạo lực học đường; tình trạng lập băng, nhóm tụ tập sử dụng hung khí nguy hiểm để đánh nhau khi xảy ra mâu thuẫn dẫn đến tội cố ý gây thương tích, thậm chí giết người. Đặc biệt, nhiều thiếu niên còn sớm bị kẻ xấu lôi kéo, kích động dẫn đến rơi vào vòng lao lý khi còn quá trẻ tuổi.

Cụ thể như vào tháng 2-2021, TAND tỉnh tuyên phạt bị cáo Nguyễn Trung Hậu (19 tuổi, quê H.Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) 7 năm tù về tội giết người. Hậu kể, vào ngày 18-5-2019, khi đang ngồi tại phòng trọ thuộc xã Sông Trầu (H.Trảng Bom) cùng một số người khác thì Hậu được Huỳnh Văn Đen (28 tuổi, quê tỉnh Kiên Giang) rủ đi đánh nhau. Chưa biết rõ đầu đuôi câu chuyện nhưng Hậu liền đi theo Đen để hỗ trợ đồng bọn. Ngờ đâu mới 17 tuổi, Hậu đã phạm phải tội giết người vì phút bốc đồng của tuổi trẻ.

Tính từ năm 2018-2020, toàn tỉnh xảy ra hơn 280 vụ vi phạm pháp luật với gần 270 đối tượng là trẻ vị thành niên, trong đó xử lý hình sự 80 vụ, gần 150 đối tượng.

Vì muốn có tiền tiêu xài trong dịp Tết Nguyên đán 2021 nên dù đang là học sinh của một trường THPT trên địa bàn TP.Biên Hòa, Trương Anh Dũng (16 tuổi) và Đinh Văn Hoàng (17 tuổi) đã tham gia mua bán pháo trái phép và bị công an bắt giữ. Cả hai thừa nhận do lên mạng xã hội, thấy hướng dẫn việc mua bán pháo quá dễ dàng lại có lợi nhuận cao nên rủ nhau buôn bán. Ngờ đâu, chưa thấy tiền thì cả hai đã bị công an bắt khi đang bán 5 hộp và 1 bịch pháo với tổng trọng lượng 10kg.

Một số vụ vi phạm pháp luật ở trẻ vị thành niên là do trẻ sống lang thang, bỏ học sớm, thiếu sự quản lý của gia đình, nhà trường, sớm bị cuốn vào con đường phạm pháp khá phổ biến. Cụ thể như cuối năm 2020, Công an H.Long Thành đã bắt giữ Trần Minh Phương (16 tuổi, ngụ xã Phước Thiền, H.Nhơn Trạch) để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản. Phương khai nhận sau khi hết tiền tiêu xài, Phương đi lang thang thì phát hiện tại nhà nghỉ N.N. (TT.Long Thành, H.Long Thành) có nhiều xe máy nhưng không có người trông coi. Phương vào giả vờ thuê phòng và lợi dụng sự lơ là, cảnh giác của chủ nhà nghỉ đã lẻn vào trộm chiếc xe máy của khách trị giá 45 triệu đồng đem đi bán.

Ngoài ra, còn có những người chưa thành niên thành lập các băng nhóm tham gia cướp tài sản rất táo bạo, liều lĩnh. Như cuối năm 2020, Công an TP.Biên Hòa đã bắt giữ Nguyễn Gia Huy (18 tuổi), Nguyễn Gia Tự (15 tuổi, em trai Huy), Nguyễn Hữu Thiện (15 tuổi) và Lê Hữu Lĩnh (16 tuổi), đều ngụ TP.Biên Hòa, để điều tra về hành vi cướp giật tài sản. Theo cơ quan công an, nhóm đối tượng này đã thực hiện hơn 10 vụ cướp giật tài sản tại nhiều địa phương.

* Ngăn ngừa trẻ vị thành niên phạm tội

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết dự án 4 đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương xác định, tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội chủ yếu do lối sống buông thả, lười lao động, thích ăn chơi đua đòi; một số khác do trình độ văn hóa thấp, thiếu hiểu biết pháp luật; một số đối tượng rơi vào hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế, cha mẹ là đối tượng hình sự, rượu chè, cờ bạc, trong gia đình thường xảy ra nạn bạo lực, cha mẹ ly dị, ly thân.

Một số khác là do người lớn trong gia đình chưa hiểu được giai đoạn phát triển của trẻ nên việc quản lý, giáo dục trẻ em chưa phù hợp, thiếu quan tâm tới trẻ hoặc nuông chiều trẻ quá mức, hay để trẻ tiếp xúc với phim ảnh đồi trụy, bạo lực mà không lên án, phê bình một cách mạnh mẽ.

Đồng tình với nhận xét này, Viện trưởng Viện KSND H.Vĩnh Cửu Nguyễn Phạm Hùng cho biết, công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật cho các đối tượng là trẻ em chưa thường xuyên, liên tục, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế; tuyên truyền còn mang tính hình thức. Ngoài ra, việc chăm lo cải thiện đời sống tinh thần, tạo sân chơi bổ ích thu hút học sinh còn nhiều bất cập, chưa thu hút được các thanh thiếu niên tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ lành mạnh; công tác quản lý học sinh cá biệt chưa chặt chẽ.

“Tâm sinh lý lứa tuổi thanh thiếu niên phát triển chưa hoàn thiện, dễ bị lôi kéo, dụ dỗ, kích động tham gia nhiều việc làm sai trái, dễ nảy sinh phạm tội và vi phạm pháp luật” - ông Hùng cho biết thêm.

Để phòng ngừa tội phạm trong tuổi vị thành niên, ngoài công tác phòng ngừa của các cơ quan chức năng thì vai trò của gia đình, nhà trường rất quan trọng trong việc giáo dục, định hướng con em, học sinh ý thức được hành vi của mình.

Theo thẩm phán Trần Phương Đông, Chánh tòa gia đình và người chưa thành niên TAND tỉnh cho biết, gia đình là cái nôi để các em hình thành nên nhân cách. Do đó, cha mẹ phải thường xuyên quan tâm đến tâm sinh lý lứa tuổi các em để biết được những thay đổi mà định hướng trong cách giáo dục con trẻ phù hợp. Đối với nhà trường, thay vì đặt nặng vấn đề kiến thức thì cần tăng cường hơn về giáo dục đạo đức, lối sống cho các em học sinh. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của công tác phòng ngừa tội phạm do người ở tuổi vị thành niên gây ra. Tuyên truyền phải phù hợp với lứa tuổi, vùng miền, dân cư, tầng lớp nhân dân, hiểu được tâm sinh lý của thanh, thiếu niên để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm ở tuổi vị thành niên.

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202103/ngan-chan-tre-vi-thanh-nien-pham-toi-can-nhieu-giai-phap-dong-bo-3049801/