Ngăn chặn trục lợi bảo hiểm thất nghiệp - cần bịt 'kẽ hở' từ luật
Tổng kết Luật Việc làm 2013, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sau hơn 7 năm thực hiện Luật Việc làm, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tăng qua các năm, bình quân hằng năm tăng 14,3%.
Tính đến cuối năm 2022, có 14,3 triệu NLĐ tham gia BHTN, chiếm 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số vụ việc vi phạm trong lĩnh vực đã được phát hiện ở nhiều địa phương. Cơ quan BHXH đã cảnh báo về 4 hình thức lạm dụng, trục lợi các quỹ bảo hiểm, trong số đó có BHTN.
Theo cơ quan BHXH, để người lao động có việc làm (ký hợp đồng lao động chính thức) trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng không khai báo với trung tâm dịch vụ việc làm. Sau khi hết thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, lập hồ sơ đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội truy đóng BHXH bắt buộc.
Cùng với đó là tình trạng hưởng trợ cấp thất nghiệp trùng thời gian tham gia BHXH bắt buộc. Người lao động đã có việc làm trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng không thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm và thỏa thuận với đơn vị sử dụng lao động để hoãn thời điểm báo tăng tham gia BHXH.
Tháng 1/2024, Bộ LĐ-TB&XH giải đáp với cử tri về tình trạng trục lợi quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã cho biết, so với các quy định khác liên quan trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, quy định về BHTN cũng tương đồng. Theo đó, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối thiểu của người lao động là 3 tháng, với mức hưởng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Mức hưởng này bảo đảm cho người lao động giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống trong thời gian chưa tìm được việc làm mới.
Trước thực tế tình trạng trục lợi BHTN, Bộ LĐ-TB&XH đã yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường phối hợp để giải quyết khó khăn, vướng mắc về BHTN, qua đó phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, gian lận, trục lợi chính sách này. Bộ cũng yêu cầu các địa phương, Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động về BHTN, nhằm hạn chế trục lợi quỹ.
Theo thông tin mới nhất từ Bộ LĐ-TB&XH, để bịt “kẽ hở” trong chính sách BHTN, tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới, nhiều quy định đã được bổ sung nhằm hạn chế tình trạng trục lợi BHTN như: bổ sung quy định về trách nhiệm thông báo của người sử dụng lao động, xử lý đối với trường hợp người sử dụng lao động không có khả năng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ BHTN, quản lý đối tượng; bổ sung một số trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp như: người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật theo quy định của Bộ luật Lao động; người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức; người đang hưởng lương hưu...