Ngăn chặn từ 'gốc' đối với thanh, thiếu niên vi phạm an toàn giao thông
Thời gian qua, Công an tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn. Trong đó, tập trung các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng thanh, thiếu niên, học sinh điều khiển phương tiện vi phạm TTATGT, điều khiển xe gắn máy lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ quy định...
Thời gian qua, Công an tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn. Trong đó, tập trung các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng thanh, thiếu niên, học sinh điều khiển phương tiện vi phạm TTATGT, điều khiển xe gắn máy lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ quy định...
thực trạng đáng báo động
Tính từ ngày 1 - 30/9/2023, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) toàn tỉnh phát hiện, xử lý 407 thanh, thiếu niên, học sinh tụ tập, điều khiển xe mô tô, xe gắn máy rú ga, nẹt pô, lạng lách, đánh võng, đi thành hàng ngang, phóng nhanh vượt ẩu gây mất trật tự công cộng, tiềm ẩn gia tăng tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh. Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều học sinh chưa có ý thức, chưa hiểu biết pháp luật về giao thông, thậm chí có những em bất chấp pháp luật, thường xuyên lạng lách, đánh võng khi tham gia giao thông.
Đặc biệt trong thời gian qua, Công an các địa phương liên tiếp phát hiện, bắt giữ hàng chục thanh, thiếu niên, học sinh có hành vi gây rối trật tự công cộng. Điển hình như Công an TP Hòa Bình phát hiện, ngăn chặn một nhóm nam thanh niên khoảng 20 người tụ tập, điều khiển xe mô tô không đội mũ bảo hiểm, trong đó một số đối tượng mang hung khí nguy hiểm nhằm giải quyết mâu thuẫn cá nhân, thu giữ 1 dao nhọn, 1 súng bắn cồn, 6 dao phóng lợn tại khu vực đường Trương Hán Siêu, thuộc địa bàn phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình).
Gần đây nhất, Công an huyện Kim Bôi bắt giữ 4 đối tượng có hành vi lạng lách, đánh võng, đi tốc độ cao, thách thức lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ, gây mất trật tự an toàn cho người tham giao thông. Thực trạng này rất đáng lo ngại, diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho TNGT lứa tuổi thanh, thiếu niên tăng cao.
Thượng tá Đinh Thị Thu Hằng, Phó trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết: Ðể ngăn ngừa hiệu quả TNGT liên quan đến lứa tuổi thanh, thiếu thiên, học sinh sử dụng xe gắn máy, xe máy điện, Công an tỉnh đã tiến hành rà soát, quản lý thanh, thiếu niên chưa đủ điều kiện sử dụng xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện vi phạm TTATGT; tăng cường tuần tra, kiểm soát tại khu vực trường học để xử lý nghiêm học sinh vi phạm TTATGT, xử lý các phương tiện đưa đón học sinh không đảm bảo an toàn kỹ thuật và không đủ trang thiết bị an toàn cần thiết.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng toàn tỉnh thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý tình trạng học sinh vi phạm quy định về giao thông. Từ đầu năm đến tháng 10/2023, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã lập biên bản, xử lý 306 trường hợp là học sinh vi phạm liên quan đến việc điều khiển xe máy điện, như chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, lái xe vượt quá tốc độ...
Những giải pháp phòng ngừa
Ðể giảm thiểu TNGT liên quan đến xe gắn máy, xe máy điện, lực lượng CSGT đã tổ chức tuyên truyền pháp luật về TTATGT đến các trường học. Trong tháng 10/2023, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT 68 buổi tại các trường học cho hơn 36.210 lượt học sinh, giáo viên; tổ chức ký cam kết chấp hành các quy định về TTATGT đối với 31.328 học sinh, giáo viên; tổ chức hướng dẫn giao thông tại các cổng trường 10 buổi, thành lập 69 mô hình "Cổng trường an toàn giao thông”.
Cùng với tuyên truyền, lực lượng CSGT trình chiếu hình ảnh về các vụ TNGT để học sinh quan sát; lồng ghép các trò chơi, tiểu phẩm, giao lưu, trao đổi trực tiếp để các em nhận thức sâu sắc hơn về mức độ nguy hiểm của TNGT liên quan đến xe máy điện nói riêng và các phương tiện giao thông nói chung.
Đồng chí Nguyễn Thị Như Thạch, Phó trưởng phòng GD&ĐT TP Hòa Bình cho biết: Để việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ trở thành nền nếp, tự giác trong mỗi học sinh, góp phần xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn hóa thì việc giáo dục, tuyên truyền, phổ biến trong các nhà trường cần được triển khai thường xuyên, rộng khắp hơn nữa, phương pháp tuyên truyền cần đổi mới, sát với tâm lý, lứa tuổi của học sinh. Qua đó các em có thể nắm vững, nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật, có kỹ năng cơ bản khi tham gia giao thông. Đồng thời, lực lượng chức năng, các địa phương và nhà trường chú trọng mở rộng tuyên truyền tới các bậc cha mẹ học sinh, phối hợp trong công tác quản lý việc học sinh điều khiển xe gắn máy, xe đạp điện đến trường.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các đoàn thể chính trị, xã hội trong quản lý, giám sát việc điều khiển phương tiện giao thông của thanh, thiếu niên, học sinh, giúp các em nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông, vì an toàn tính mạng của bản thân và những người xung quanh. Qua đó hình thành thói quen văn hóa giao thông văn minh, an toàn trong lứa tuổi học đường.
Nguyễn Hùng
(Công an tỉnh)