Ngăn chặn vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ
Thời gian qua, Công an tỉnh đã mở đợt cao điểm tổng kiểm tra, vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ (VK,VLN), công cụ hỗ trợ.
Công an TP Hải Dương là đơn vị làm tốt nhất công tác vận động giao nộp VK,VLN, công cụ hỗ trợ. Đơn vị đã thu được 8 súng săn, 1 súng tự chế, 113 viên đạn, 21 vũ khí thô sơ và 6 công cụ hỗ trợ. Thượng úy Hoàng Khắc Hiện, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an TP Hải Dương) cho biết để đạt được kết quả trên, Đảng ủy, lãnh đạo Công an TP Hải Dương đã quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh, yêu cầu các đơn vị triển khai nhiều biện pháp vận động, tuyên truyền, đấu tranh phù hợp với từng nhóm đối tượng. Nâng cao vai trò, ý thức trách nhiệm của lực lượng công an phường, cán bộ phụ trách địa bàn cơ sở trong việc nắm rõ từng đối tượng có giữ VK,VLN, công cụ hỗ trợ, từ đó vận động và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để thu hồi. Ngoài tuyên truyền hằng ngày trên hệ thống loa truyền thanh, các tổ, đội tuyên truyền lưu động của Công an TP Hải Dương tích cực đến từng hộ tuyên truyền về hậu quả, tác hại cũng như những nguy hiểm tiềm ẩn do VK,VLN, công cụ hỗ trợ gây ra. Vì vậy, nhiều cá nhân đã tự nguyện giao nộp và tích cực cộng tác với lực lượng công an trong đấu tranh với tội phạm này.
Ông Nguyễn Quý Toản (sinh năm 1939, ở số 52 Trần Bình Trọng, phường Trần Phú, TP Hải Dương) từng là thành viên của một hội săn. Súng săn thời đó là tài sản có giá trị lớn, ông Toản đã phải tích cóp tiền một thời gian dài mới mua được. Từng rất muốn giữ lại khẩu súng săn để làm kỷ niệm nhưng sau khi được Công an phường Trần Phú và Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an TP Hải Dương) tuyên truyền, vận động, phân tích những nguy hại khó lường của việc tàng trữ vũ khí quân dụng, ngày 8.7, ông Toản đã tự nguyện giao nộp khẩu súng săn và 21 vỏ đạn (còn đầu nổ) cho cơ quan công an.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giao nộp VK,VLN, công cụ hỗ trợ vẫn còn một số hạn chế. Việc tuyên truyền có lúc, có nơi còn chung chung, chưa có biện pháp cụ thể đối với từng nhóm đối tượng. Chưa rà soát, thống kê được những đối tượng có tiền án, tiền sự, biểu hiện nghi vấn liên quan đến VK,VLN, công cụ hỗ trợ. Công tác đấu tranh với tội phạm lợi dụng không gian mạng để chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển VK,VLN, công cụ hỗ trợ còn hạn chế. Cán bộ làm công tác này tại một số đơn vị chưa có kinh nghiệm và được tập huấn chuyên sâu về lĩnh vực này.
Thời gian tới, các đơn vị nghiệp vụ có liên quan và Công an các huyện, thị xã, thành phố sẽ tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về VK,VLN, công cụ hỗ trợ; đồng thời phối hợp tuyên truyền kết quả đấu tranh, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật về VK,VLN, công cụ hỗ trợ. Rà soát, xác định cụ thể từng nhóm đối tượng để áp dụng các biện pháp tuyên truyền, giao nộp phù hợp. Phát động sâu rộng phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" gắn với phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm về VK,VLN, công cụ hỗ trợ, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.
Từ ngày 25.3 đến 15.7, các đơn vị thuộc Công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 22 vụ, 38 đối tượng vi phạm có liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Đã khởi tố 7 vụ, 10 đối tượng; xử lý vi phạm hành chính 3 vụ, 3 đối tượng, phạt 9 triệu đồng. Hiện nay, cơ quan công an đang xử lý 12 vụ, 25 đối tượng. Cũng trong thời gian này, Công an tỉnh đã vận động người dân giao nộp 189 vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.