Ngăn chặn vụ việc thương tâm do Xyanua cách nào? - Bài 6: Quy định hiện hành về hoạt động mua bán chất Xyanua

Những vụ đầu độc bằng Xyanua xảy ra khiến dư luận đặt câu hỏi về vấn đề kiểm soát, quản lý chất cực độc này. Pháp luật Việt Nam đang quy định thế nào về việc quản lý, kinh doanh mua bán Xyanua? Liệu có 'kẽ hở' nào để 'vũ khí' giết người này dễ dàng tới tay người tiêu dùng?...

> Ngăn chặn vụ việc thương tâm do Xyanua cách nào? - Bài 1: Loạt vụ đầu độc gây chấn động dư luận

>> Ngăn chặn vụ việc thương tâm do Xyanua cách nào? - Bài 2: Chất độc nhất trong các chất độc

>>> Ngăn chặn vụ việc thương tâm do Xyanua cách nào? - Bài 3: Các nước nghiêm trị kẻ sát nhân hàng loạt, 'siết' quản lý chất độc gây án

>>>>Ngăn chặn vụ việc thương tâm do Xyanua cách nào? - Bài 4: Cảnh giác với những thực phẩm tự nhiên chứa chất độc chết người

>>>>>Ngăn chặn vụ việc thương tâm do Xyanua cách nào? - Bài 5: Chỉ cần 'nổ đơn' bao nhiêu cũng có, giao hàng tận nhà
Đã có quy định cụ thể về hoạt động mua bán Xyanua

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Phạm Huy Nam Sơn – Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay pháp luật Việt Nam đã có những quy định khá cụ thể về việc quản lý Xyanua.

 Ông Phạm Huy Nam Sơn – Phó Cục trưởng Cục Hóa chất.

Ông Phạm Huy Nam Sơn – Phó Cục trưởng Cục Hóa chất.

Cụ thể, Điều 31, Điều 63, Điều 64 của Luật Hóa chất quy định Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quản lý hóa chất sử dụng trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý; ban hành và quản lý hoạt động hóa chất thuộc Danh mục hóa chất không được sử dụng để sản xuất sản phẩm, hàng hóa thuộc lĩnh vực quản lý.

“Trong lĩnh vực công nghiệp, việc nhập khẩu, mua bán… Xyanua để sử dụng trong công nghiệp, phát triển kinh tế, xã hội được phép thực hiện nhưng được pháp luật quy định chặt chẽ”, ông Phạm Huy Nam Sơn khẳng định.

Theo Phó Cục trưởng Cục Hóa chất, Xyanua và các hợp chất của Xyanua thuộc phụ lục II danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp ban hành tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09/10/2017 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất được sửa đổi, bổ sung tại Phụ lục II Nghị định số 82/2022/NĐ-CP ngày 18/10/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP.

Tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh Xyanua trong lĩnh vực công nghiệp khi đáp ứng đủ các điều kiện về cơ sở vật chất – kỹ thuật; chuyên môn, phương án sản xuất, kinh doanh… và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép và chỉ được bán cho các đối tượng đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định.

Tổ chức, cá nhân cần đảm bảo các khách hàng mua Xyanua để kinh doanh cũng phải có giấy phép kinh doanh hóa chất này và ngược lại, tổ chức, cá nhân mua Xyanua lưu ý, chỉ mua của bên bán có giấy phép.

Các hợp chất của Xyanua thuộc phụ lục IV Danh mục hóa chất nguy hiểm phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất ban hành tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 82/2022/NĐ-CP.

Đặc biệt, “chủ đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh, cất giữ và sử dụng các hợp chất của Xyanua với khối lượng tồn trữ tại một thời điểm lớn hơn hoặc bằng ngưỡng khối lượng 5.000 kg phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đối với tất cả các hóa chất nguy hiểm mà dự án có hoạt động và trình Bộ quản lý ngành, lĩnh vực thẩm định, phê duyệt trước khi chính thức đưa dự án vào hoạt động” – đại diện Cục Hóa chất cho biết.

Ông Phạm Huy Nam Sơn đồng thời thông tin: Đối với trường hợp chủ đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh, cất giữ, sử dụng các hợp chất của Xyanua với khối lượng tồn trữ tại một thời điểm nhỏ hơn ngưỡng khối lượng 5.000 kg phải xây dựng Biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất.

Xyanua và các hợp chất của Xyanua thuộc phụ lục V Danh mục hóa chất phải khai báo ban hành tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 82/2022/NĐ-CP.

Các hóa chất thuộc phụ lục V Danh mục hóa chất phải khai báo, khi nhập khẩu vào Việt Nam phải thực hiện khai báo, kết quả được trả tự động trên Hệ thống một cửa quốc gia, đối với các hóa chất cần kiểm soát đặc biệt gồm: N2O, các hợp chất của Xyanua, thủy ngân và các hợp chất của thủy ngân, Bộ Công Thương (Cục Hóa chất) có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và phản hồi thông tin khai báo hóa chất nhập khẩu cho tổ chức, cá nhân khai báo trong thời gian 16 giờ làm việc.

“Như vậy, các quy định trên đã chỉ rõ, việc mua, bán hóa chất độc phải có phiếu kiểm soát, có xác nhận của bên mua, bên bán để làm cơ sở cho việc kiểm soát hóa chất độc lưu thông trên thị trường. Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc bao gồm các thông tin về tên hóa chất, số lượng hóa chất, mục đích sử dụng; tên, chữ ký của người mua, người bán; địa chỉ, số Giấy chứng minh nhân dân của người đại diện bên mua và bên bán; ngày giao hàng. Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc phải được lưu giữ tại bên bán, bên mua ít nhất năm năm và phải xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu” –Phó Cục trưởng Cục Hóa chất nói.

Mua hóa chất cấm để làm chết người có thể bị tử hình

Tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí. Điều 17, 18 của Nghị định 71/2019/NĐ-CP đã được sửa đổi theo hướng nâng mức phạt tiền và tăng thời hạn tước quyền sử dụng Giấy phép đối với vi phạm quy định về hoạt động sản xuất, kinh doanh theo Giấy phép và kiểm soát hóa chất hạn chế.

Trong đó, hành vi cho thuê, cho mượn, cầm cố, thế chấp, bán, chuyển nhượng Giấy phép và hành vi bán hóa chất hạn chế cho tổ chức, cá nhân mua để kinh doanh nhưng không đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh hóa chất hạn chế bị tước quyền sử dụng Giấy phép từ 3 đến 6 tháng; hành vi sản xuất, kinh doanh không đúng địa điểm, quy mô, chủng loại hóa chất ghi trong Giấy phép bị tước quyền sử dụng Giấy phép từ 6 đến 12 tháng (thay vì từ 1 đến 3 tháng như trước đây). Tổ chức, cá nhân vi phạm các hành vi nêu trên hoặc kinh doanh mà không có giấy phép đều phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, phân định thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực hóa chất đối với các chức danh Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện, các chức danh thuộc lực lượng quản lý thị trường, công an, hải quan cũng được mở rộng để phát huy vai trò của các cơ quan quản lý, tăng cường hậu kiểm.

Luật sư Vũ Cao Tiến – Công ty Luật TNHH Đông Tây thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Luật sư Vũ Cao Tiến – Công ty Luật TNHH Đông Tây thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Quy định thì đã rõ ràng, nhưng thời gian qua hiện tượng mua-bán hóa chất độc vẫn diễn ra, gây ra những tác động xấu cho xã hội. Đối với những trường hợp cố tính mua bán trái quy định pháp luật, theo luật sư Vũ Cao Tiến – Công ty Luật TNHH Đông Tây thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành (BLHS), nếu sử dụng chất độc Xyanua để làm chết người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội giết người” theo Điều 123 đối với người thực hiện hành vi phạm tội. Trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng như: giết 2 người trở lên; giết người dưới 16 tuổi; giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình…, thì khung hình phạt áp dụng có thể cao nhất là tử hình.

Đối với bên bán chất độc: Trường hợp không có giấy phép kinh doanh, giấy phép hạn chế kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp thì có thể bị xử lý về “Tội mua bán trái phép chất độc" theo quy quy định tại Điều 311 BLHS và tùy vào mức độ gây thiệt hại mà người thực hiện hành vi này có thể đối diện với mức phạt tù cao nhất là chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm.

Cũng theo luật sư Lý, liên quan tới vấn đề trách nhiệm quản lý của nhà nước về hoạt động hóa chất thì căn cứ vào Điều 62 Luật hóa chất năm 2007 thì trách nhiệm quản lý của nhà nước về hoạt động hóa chất do Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất trong phạm vi cả nước; Bộ Công thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất; Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công thương thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất theo sự phân công của Chính phủ; Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện việc quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất trong phạm vi địa phương mình theo phân cấp của Chính phủ.

Bên cạnh trách nhiệm của Bộ công thương thì tại Điều 64 Luật Hóa chất 2007 quy định về trách nhiệm nhiệm quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ liên quan trực tiếp đến hoạt động hóa chất. Cụ thể Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Y tế; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Công an; Bộ Quốc phòng; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất của Ủy ban nhân dân các cấp cũng được quy định rõ tại Điều 65 Luật hóa chất năm 2007.

(Còn tiếp…)

Thanh Hà - Huyền Trang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/ngan-chan-vu-viec-thuong-tam-do-xyanua-cach-nao-bai-6-quy-dinh-hien-hanh-ve-hoat-dong-mua-ban-chat-xyanua-post519485.html