Ngăn chặn xe quá tải 'cày ải' đường đê

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, Thành phố có đê kiên quyết chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm gây mất an toàn hành lang đê điều đặc biệt là việc xe quá tải đi trên đê.

Ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp xe quá tải chạy trên đê, gây mất an toàn giao thông, hư hỏng hạ tầng, hành lang đê điều

Trước tình trạng xe quá tải hoành hành trên các tuyến đê, gây hư hỏng hạ tầng và mất an toàn giao thông Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có có công văn đề nghị các tỉnh, Thành phố có đê kiên quyết chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Theo đó trong những năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm bố trí kinh phí cho các địa phương thực hiện duy tu, tu bổ, xử lý những hư hỏng của đê điều. Trong đó có việc sửa chữa, cải tạo, gia cố mặt đê bị hư hỏng, xuống cấp.

Tuy nhiên, hiện tình trạng xe quá tải đi trên đê diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương. Đặc biệt là những đoạn đê đi qua các khu đô thị, khu tập trung dân cư, khu vực có mỏ vật liệu và bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu, làm hư hỏng nghiêm trọng mặt đê. Nhất là với những tuyến đê mới được đầu tư sửa chữa, nâng cấp.

Thực hiện quy định của pháp luật về đê điều, Chỉ thị số 24 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, để đảm bảo an toàn đê điều, bảo vệ thành quả đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có đê khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhất là lực lượng công an tăng cường công tác kiểm tra trên các tuyến đê, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Bố trí ngân sách địa phương để xử lý, khắc phục những hư hỏng của đê do tình trạng xe quá tải đi trên đê gây ra, đảm bảo an toàn đê điều và giao thông trên đê phục vụ công tác ứng cứu hộ đê trong mùa mưa lũ năm 2020 và các năm tiếp theo.

Kết quả rà soát mới đây của Sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho thấy, hệ thống đê điều của TP rất dễ bị tổn thương. Toàn TP hiện có 4 trọng điểm đê điều phòng chống lụt bão gồm: Khu vực đê kè, cống Xuân Canh - Long Tửu (huyện Đông Anh), cống Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm), cống Cẩm Đình (huyện Phúc Thọ); khu vực đê kè, cống Tân Hưng - Bắc Phú (huyện Sóc Sơn).

Ngoài ra, Hà Nội hiện còn 12 vị trí đê điều xung yếu dọc các tuyến sông đoạn chảy qua các quận, huyện: Hoàng Mai (cống qua đê Yên Sở), Long Biên kè Gia Thượng), Ba Vì (kè Khê Thượng, đê kè Cổ Đô, kè Chu Minh), Phúc Thọ (đê Sen Chiểu), Đan Phượng (kè Liên Trì), Thường Tín (kè An Cảnh), Phú Xuyên (cống Thụy Phú), Gia Lâm (thượng và hạ lưu cầu Đuống, đê, kè Đổng Viên).

Để đảm bảo an toàn đê điều trong mùa mưa lũ, UBND Thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo kiểm tra, rà soát, tổng hợp các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn.

Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức đợt cao điểm xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. Kiên quyết xử lý dứt điểm, đúng quy định pháp luật các vụ việc vi phạm xảy ra năm 2020, báo cáo kết quả thực hiện về Sở NN&PTNT trước ngày 31/7 để tổng hợp.

Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc, UBND xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý ngay vụ việc vi phạm mới từ khi phát sinh. Chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu để xảy ra những vụ việc vi phạm mới không bị xử lý đúng quy định của pháp luật.

UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phối hợp, kiểm tra, đôn đốc thực hiện chỉ đạo nêu trên. Tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện của các đơn vị, báo cáo UBND thành phố trước ngày 10/8.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ngan-chan-xe-qua-tai-cay-ai-duong-de-post86430.html