Ngân hàng 6 tháng cuối năm: Chậm để chắc

Về triển vọng ngành Ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2019, theo MBS, tăng trưởng thu nhập từ các giao dịch ngân hàng sẽ tới từ mảng bancassurance do dư địa còn khá lớn; các chương trình phí dịch vụ mới được áp dụng ở hầu hết các ngân hàng; và đẩy mạnh ngân hàng bán lẻ cũng như ngân hàng số.

Củng cố hoạt động

Công ty chứng khoán MB (MBS) vừa đưa ra báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm 2019 với một số nhận định về triển vọng của ngành Ngân hàng trong năm nay. Về tăng trưởng tín dụng, năm nay NHNN đặt mục tiêu tăng ở mức 14% - tương đương năm 2018. MBS cho rằng, tăng trưởng tín dụng năm nay có thể chậm hơn đối với các ngân hàng ước đạt 12,5%, thấp hơn so với mức 13% của năm 2018 do lãi suất có xu hướng neo ở mức cao, và các chính sách quản lý tín dụng thận trọng hơn của Chính phủ cũng như NHNN.

Tuy vậy, MBS nhận định việc giảm tốc tín dụng là cần thiết để cân đối tăng trưởng dài hạn bởi: Tỷ lệ tín dụng trên GDP đạt xấp xỉ 130% trong năm 2018 - mức cao tương đương năm 2011; chênh lệch tín dụng năm 2018 vẫn ở mức an toàn song việc giảm tốc là cần thiết.

Theo chuyên gia, việc giảm tốc tín dụng là cần thiết

Theo chuyên gia, việc giảm tốc tín dụng là cần thiết

Cùng chung quan điểm, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) cũng nhận thấy hiện nay quy mô cho vay tín dụng của Việt Nam là tương đối cao, và với dự kiến áp dụng Basel II vào năm 2020, theo dự tính sẽ gặp khó khăn không chỉ trong hoạt động tín dụng để đầu tư mới mà còn trong cả việc đảm bảo nguồn vốn cần thiết cho hoạt động kinh doanh cơ bản.

Không chỉ tín dụng giảm tốc, tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng, theo MBS, sẽ gặp thêm khó khăn khi NIM của các NHTM được dự báo sẽ khó cải thiện trong năm nay, trong khi áp lực tăng lãi suất huy động gia tăng nhưng với cạnh tranh cho vay bán lẻ sẽ khiến ngân hàng không tăng lãi suất cho vay. “Nguồn vốn liên ngân hàng giá rẻ cũng sẽ không còn dồi dào do một số biện pháp thắt chặt tiền tệ gần đây, lạm phát cũng đang có xu hướng tăng và lãi suất trái phiếu Chính phủ khó giảm sâu”, MBS nhận định. Tuy nhiên, theo MBS thì NIM sẽ có thể cải thiện chọn lọc ở một số ngân hàng như Vietcombank và MB khi có thể cạnh tranh về chi phí vốn thấp nhờ lợi thế riêng biệt và tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao; hay Techcombank do xây dựng được hệ sinh thái tốt nên huy động được CASA dồi dào...

Bình luận về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia ngân hàng cho biết, sau một giai đoạn tăng trưởng tín dụng nhanh thì việc các ngân hàng củng cố lại hoạt động, trong đó có tín dụng là điều cần thiết. Dĩ nhiên, điều này sẽ có ảnh hưởng phần nào tới lợi nhuận của ngân hàng, song việc “hy sinh” một phần lợi nhuận ở thời điểm này để củng cố hoạt động tín dụng lành mạnh hơn, kiểm soát và giảm thiểu rủi ro sẽ có lợi hơn đối với ngân hàng trong tương lai.

Kiểm soát tín dụng, tăng thu ngoài lãi

Ông Nirukt Sapru - Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered kiêm Chủ tịch Nhóm công tác ngân hàng nhận thấy, mặc dù là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất tại châu Á trong năm 2018 nhưng tăng trưởng tín dụng của Việt Nam vẫn giảm so với các năm trước. Điều này cho thấy dòng tín dụng đã được điều hướng sang các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là chế biến chế tạo.

Tuy nhiên thị phần của các ngân hàng quốc tế trong tổng số nợ tại Việt Nam vẫn còn rất nhỏ, gây hạn chế khả năng cho vay để phát triển các doanh nghiệp trong nước có vốn FDI, bao gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các đơn vị cung ứng chuỗi tài chính, và các lĩnh vực tiêu dùng.

Cho rằng các ngân hàng cần chủ động hơn trong việc cho vay sản xuất, đầu tư và các hoạt động kinh doanh, Chủ tịch Nhóm công tác ngân hàng cũng kiến nghị NHNN cần loại bỏ hình thức “cho vay thế chấp” trong hoạt động cho vay bất động sản, vì sản phẩm này cần được khuyến khích để người dân có thể mua nhà cho mục đích dân sinh, với điều kiện các khoản cho vay này được kiểm soát hợp lý.

Trao đổi với phóng viên, TS- LS. Bùi Quang Tín cho rằng, NHNN vẫn đang điều hành CSTT rất linh hoạt, phù hợp với tình hình, diễn biến trong nước và quốc tế. Ông Tín nhấn mạnh việc nợ xấu vẫn là nỗi lo thường trực, và các nhà băng phải hết sức thận trọng khi rót vốn tín dụng. Thời gian tới, NHNN cũng đã khẳng định sẽ tiếp tục tạo điều kiện vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp, đi cùng với kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Một chuyên gia tài chính cũng khuyến nghị NHNN cần tiếp tục đề cao nhiệm vụ đẩy mạnh tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để hỗ trợ việc ứng dụng các thành tựu CMCN 4.0 và đổi mới hoạt động, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

Từ nay đến cuối năm 2019, vị chuyên gia này nhận định ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục có sự phát triển tốt, song cần phải đặc biệt lưu ý, chủ động trước những biến động khó lường đoán trên thị trường tài chính thế giới sẽ có những tác động tới các ngân hàng khi các khách hàng của mình, nhất là khách hàng xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng. Như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn tiềm ẩn nguy cơ dù đã có động thái “xuống thang” từ phía Tổng thống Mỹ Donald Trump; hay việc CNY biến động bất thường gây sức ép lên thị trường tiền tệ, tỷ giá trong nước... “Các ngân hàng phải rất chú ý không những rủi ro tín dụng, mà cả những rủi ro về kinh doanh ngoại hối, về nguồn vốn... cũng phải được tính toán, theo sát chặt chẽ”, chuyên gia nêu quan điểm.

Về triển vọng ngành Ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2019, theo MBS, tăng trưởng thu nhập từ các giao dịch ngân hàng sẽ tới từ mảng bancassurance do dư địa còn khá lớn; các chương trình phí dịch vụ mới được áp dụng ở hầu hết các ngân hàng; và đẩy mạnh ngân hàng bán lẻ cũng như ngân hàng số.

Còn theo chia sẻ của chuyên gia, các ngân hàng cần tiếp tục đẩy mạnh tăng thu từ dịch vụ bởi điều này cùng lúc mang lại hai lợi ích. Thứ nhất, các ngân hàng sẽ không phải chịu mức độ rủi ro cao từ hoạt động tín dụng, và thứ hai, phát triển dịch vụ là một trong những trọng tâm của nhà băng. Điều này cũng phù hợp với chủ trương tái cơ cấu các TCTD, giảm thiểu độc canh tín dụng để phát triển hơn về thu dịch vụ. Tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các NHTM lên khoảng 16 - 17% cũng là yêu cầu đặt ra trong Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Xu hướng chung ở hầu hết các quốc gia tăng tỷ trọng thu nhập dịch vụ với hiệu suất sinh lời cao hơn đang tăng, ảnh hưởng tới các ngân hàng chỉ phụ thuộc vào thu nhập lãi.

Bài và ảnh Thảo Minh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/ngan-hang-6-thang-cuoi-nam-cham-de-chac-89707.html