'Ngân hàng bò' góp phần giảm nghèo ở Bắc Cạn
Những năm qua, nhiều đơn vị, tổ chức đã có những hình thức hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực, hiệu quả đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn. Trong đó, việc hỗ trợ bò giống theo Chương trình cho vay bò cái sinh sản 'Ngân hàng bò' đã tạo cho đồng bào 'cần câu' để xóa đói, giảm nghèo.
Chính sách vào Cuộc sống
Chương trình “Ngân hàng bò” do Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Cạn quản lý được triển khai từ năm 2012 tại hai huyện đặc biệt khó khăn là Ba Bể và Pác Nặm. Ban Quản lý dự án “Ngân hàng bò” tỉnh tuyển chọn những con bò giống từ 18 đến 24 tháng tuổi, cân nặng từ 120 đến 150 kg, có khả năng sinh sản tốt, khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, chủ yếu là giống bò tại địa phương cho nên phù hợp với khí hậu và tập quán chăn thả của người dân. “Ngân hàng bò” giúp mỗi hộ nghèo một con bò sinh sản. Khi bò sinh bê con đầu, nếu là bê cái sẽ trao cho hộ nghèo khác; nếu là bê đực thì giao cho Hội Chữ thập đỏ bán để mua bê cái, sau đó trao cho hộ nghèo khác. Gia đình giao bê xong chính thức được sở hữu con bò đã sinh sản đó.
Ông Phan Văn Toán ở thôn Nà Lìn, xã Địa Linh, huyện Ba Bể được nhận một con bò giống về nuôi, sau hơn hai năm chăm sóc đã sinh sản được ba bê con. Bê con đầu ông Toán bàn giao cho xã và Hội Chữ thập đỏ để trao cho các hộ nghèo khác và ông được sở hữu bê cái. Hiện nay, ba con bò của ông Toán trị giá từ 60 đến 70 triệu đồng, giúp gia đình ông thoát nghèo. Năm 2012, 40 hộ dân ở các thôn Nặm Vằm, Khuổi Thao, Pác Giả và Khâu Nèn, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm được nhận bò giống từ “Ngân hàng bò”. Sau hơn hai năm chăm sóc đã có gần 20 hộ thoát nghèo. Phó Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm Nguyễn Đình Điệp cho biết, chương trình cho vay bò cái sinh sản do Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Cạn triển khai rất hiệu quả, vì phù hợp điều kiện tự nhiên và trình độ sản xuất của các hộ DTTS.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Cạn Nguyễn Văn Cường chia sẻ: Mỗi con bò trị giá từ 12 đến 14 triệu đồng. Từ 200 con bò “cho vay”, đến nay tổng đàn đã tăng lên hơn 300 con. Hội phối hợp các ngành và địa phương tổ chức lựa chọn, bình xét đối tượng được nhận bò theo tiêu chí là hộ nghèo, có nhu cầu, khả năng và có quỹ đất để trồng cỏ chăn nuôi. Việc giám sát, hướng dẫn được thực hiện chặt chẽ cho nên bò được phòng dịch bệnh. Thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tiếp tục vận động các nguồn lực để mở rộng chương trình ra tất cả các huyện và thành phố trong tỉnh.