Ngân hàng buộc phải cung cấp sao kê khi điều tra hoạt động từ thiện

Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh thực hiện quyết định, yêu cầu của cơ quan điều tra (CQĐT) - cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, tố tụng.

Sau khi nhận được đơn tố cáo liên quan một số cá nhân gây quỹ từ thiện, hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt năm 2020, Cục CSHS, Bộ Công an đã đề nghị các địa phương xác minh, rà soát số tiền, hàng cứu trợ.

Ngoài ra, CQĐT còn có văn bản đề nghị cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước rà soát, sao kê tài khoản một số nghệ sĩ làm từ thiện.

Bộ Công an yêu cầu cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng cung cấp các tài liệu cho cơ quan điều tra như: bản sao hồ sơ mở tài khoản; toàn bộ thông tin cá nhân liên quan đến chủ tài khoản của các tài khoản đã rà soát, xác định (nếu có); thống kê tổng số tiền giao dịch, số dư hiện có trong tài khoản; sao kê chi tiết tất cả giao dịch của tài khoản từ thời điểm mở tài khoản đến nay; thông tin họ tên, địa chỉ số tài khoản đối ứng, người nộp tiền vào và người nhận tiền từ các tài khoản nói trên.

Trao đổi với VietNamNet, luật sư Đặng Hoài Vũ, Trưởng Văn Phòng Luật Sư Đặng Hoài Vũ và đồng sự (Đoàn Luật Sư TP.HCM) cho hay:

Nếu chỉ dựa vào số liệu các tỉnh cung cấp thì chưa thể làm rõ hành vi ăn chặn tiền từ thiện.

Muốn xác định có vi phạm hay không, CQĐT phải làm rõ và thu thập đầy đủ các chứng cứ chứng minh cho hành vi vi phạm theo cấu thành tội phạm tại Điều 174 (tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản) hoặc 175 BLHS (tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản).

Lúc này, CQĐT có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin, theo quy định tại Điều 168 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Luật sư Đặng Hoài Vũ

Luật sư Đặng Hoài Vũ

Điều 168 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quyết định, yêu cầu của CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, viện kiểm sát.

Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh thực hiện quyết định, yêu cầu của CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự.

Trường hợp không chấp hành mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan, sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Khắc phục khoảng trống pháp lý

Luật sư Vũ cho rằng, để khắc phục khoảng trống pháp lý, tránh tình trạng tham gia cứu trợ của các cá nhân thiếu chuyên nghiệp, dẫn đến việc người làm cứu trợ bị dèm pha và tiêu cực phát sinh trong hoạt động từ thiện, Nhà nước đã sửa đổi bổ sung Nghị định 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo cho phù hợp với thực tiễn.

Cụ thể, ngày 23/10/2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 8876/VPCP-QHĐP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 64, nhằm đảm bảo việc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện bảo đảm hiệu quả, kịp thời.

Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 92/TTr-BTC ngày 26/5/2021 trình Chính phủ ban hành nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo (thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ).

Ngoài ra, Bộ Tài chính còn ra văn bản số 8919/BTC-NSNN ngày 10/8/2021 giải trình về đối tượng áp dụng của dự thảo nghị định, theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại văn bản số 3956/VPCP-QHĐP ngày 14/6/2021 của Văn phòng Chính phủ.

Tại Thông báo số 222/TB-VPCP ngày 23/8/2021 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo nghị định theo hướng khuyến khích tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện.

Theo ông Vũ, để lấp khoảng trống pháp lý của pháp luật Việt Nam trong việc cá nhân đứng ra kêu gọi, nhận tiền từ thiện, cần có quy định cụ thể để triển khai thực hiện chặt chẽ, có hiệu quả, đáp ứng mục đích, ý nghĩa và yêu cầu quản lý Nhà nước.

“Với các định hướng sửa đổi dự thảo như của Phó Thủ tướng đưa ra, tôi tin rằng khoảng trống pháp lý về cá nhân đứng ra kêu gọi, nhận từ thiện sẽ được khắc phục và góp phần vào việc nâng cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc ta khi có thiên tai, lũ lụt”, lời luật sư Vũ.

T.Nhung

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/ngan-hang-buoc-phai-cung-cap-sao-ke-khi-dieu-tra-hoat-dong-tu-thien-783696.html