Ngân hàng Chính sách xã hội: Hỗ trợ hộ vay vốn bị thiệt hại do dịch Covid-19
Cùng với các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, huyện đã và đang tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ hộ vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Cùng với các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, huyện đã và đang tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ hộ vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Mong được giãn nợ, giảm lãi
Những ngày qua, gia đình ông Huỳnh Thanh Tài (xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh) như ngồi trên đống lửa vì 4.000 con gà đã quá lứa mà chưa xuất bán được. Do dịch Covid-19, thương lái các chợ và các bếp ăn của công ty không mua gà với số lượng lớn như trước. Đã vậy, giá bán giảm gần 20 ngàn đồng/kg, còn khoảng 50 ngàn đồng/kg, nhưng không xuất bán được nên gia đình vẫn nuôi cầm chừng chịu lỗ. Khoản vay NHCSXH 100 triệu đồng, trước đây gia đình ông Tài trả lãi, gửi tiết kiệm hàng tháng đều đặn, nhưng hiện nay khó khăn nên gia đình mong được NH giảm lãi và gia hạn nợ, sau khi tình hình ổn định sẽ tiếp tục trả nợ NH.
Ngày đầu tiên khi thực hiện nới lỏng cách ly xã hội, bà Nguyễn Thị Huệ (tổ dân phố Phú Lộc Đông 1, thị trấn Diên Khánh) mở hàng bán bánh canh trở lại, nhưng ế ẩm. Trong khi đó, bà còn khoản nợ vay NHCSXH 5 triệu đồng đến hạn tháng 4 phải trả. Do tháng 4, NHCSXH nghỉ giao dịch nên khoản nợ chuyển sang tháng 5. Trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, bà Huệ đề nghị NHCSXH gia hạn 3 tháng nữa sẽ gom góp trả nợ. Bà Lương Thị Triều - tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn tổ dân phố Phú Lộc Đông 1 cho biết, tổ vay có 60 hội viên, chủ yếu vay vốn để cải tạo vườn, buôn bán, mua xe chở hàng. Do ảnh hưởng của dịch, bà con buôn bán ế ẩm, thu nhập giảm sút, một số lao động ngành du lịch phải nghỉ làm. Tổ đã rà soát các trường hợp bị ảnh hưởng để NHCSXH xem xét.
Trong những ngày dịch, lò bánh mì của gia đình bà Trần Thị Nguyệt Nhung (tổ dân phố Phú Lộc Đông 1) giảm hơn nửa sản lượng tiêu thụ. Gia đình bà làm lò bánh mì thủ công, ngoài 2 vợ chồng còn thuê 2 nhân công, cho ra lò mỗi ngày khoảng 1.000 ổ. Ngay sau khi thực hiện nới lỏng cách ly xã hội, nhu cầu tiêu thụ bánh mì tăng trở lại, gia đình bà Nhung muốn vay NHCSXH để đầu tư lò bánh mì điện, cắt giảm nhân công, tăng sản lượng, sạch sẽ và an toàn.
Triển khai các giải pháp hỗ trợ
Theo bà Nguyễn Thị Mai Thảo - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Diên Khánh, đơn vị đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác vốn vay và UBND cấp xã rà soát các khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Qua rà soát, trên địa bàn huyện có 717 hộ bị thiệt hại. Tùy vào tình hình thực tế, NHCSXH huyện hướng dẫn áp dụng các biện pháp gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, cho vay bổ sung, khoanh nợ… theo văn bản hiện hành. Địa phương đã tổng hợp nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn là 25 tỷ đồng, trong đó, vay mới gần 14,6 tỷ đồng và vay bổ sung hơn 10,4 tỷ đồng.
Chia sẻ khó khăn với hộ vay, thời gian qua, NHCSXH tỉnh, huyện đã triển khai nhiều giải pháp như: thực hiện gia hạn nợ cho hộ vay bị thiệt hại bởi dịch Covid-19 với số tiền khoảng 15 tỷ đồng; xóa nợ cho khách hàng bị thiệt hại gần 1,4 tỷ đồng; cho vay bổ sung, vay mới với doanh số cho vay 272 tỷ đồng. Trong thời điểm thực hiện cách ly xã hội do dịch bệnh, NHCSXH không giao dịch trong tháng 4, nên các món vay đến hạn trong thời gian đó NH tự động gia hạn chuyển sang tháng sau không tính nợ quá hạn. Từ tháng 5, NHCSXH giao dịch trở lại, những món nợ đến hạn nhưng hộ vay khó khăn trả nợ do ảnh hưởng của dịch bệnh có đơn đề nghị điều chỉnh kỳ hạn nợ, NHCSXH sẽ xem xét điều chỉnh cho phù hợp với thiệt hại. Qua rà soát, đến ngày 15-4, có 3.562 hộ thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ vay vốn chương trình giải quyết việc làm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có nhu cầu vay vốn với số tiền gần 146,8 tỷ đồng.
Ông Hồ Đắc Thích - Phó Giám đốc Phụ trách NHCSXH tỉnh cho biết, để giúp người dân tiếp tục vay vốn sản xuất, kinh doanh, NHCSXH tỉnh đã báo cáo UBND tỉnh, NHCSXH Trung ương tiếp tục cân đối bổ sung nguồn vốn để tiếp tục cho vay, đặc biệt là những hộ vay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Sắp tới, UBND tỉnh sẽ cân đối chuyển vốn bổ sung cho NHCSXH tỉnh 18 tỷ đồng (đầu năm nay, ngân sách tỉnh đã chuyển 15 tỷ đồng). Trên cơ sở đó, NHCSXH tỉnh sẽ đề nghị Trung ương cấp vốn bổ sung để NH đưa vốn đáp ứng nhu cầu của bà con. Đối với cho vay người sử dụng lao động với lãi suất 0% để chi trả tiền lương ngừng việc cho người lao động theo Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ, NHCSXH gấp rút xây dựng quy trình xác lập hồ sơ tập huấn cho cán bộ toàn hệ thống trong đó có chi nhánh Khánh Hòa để nắm bắt thủ tục. NHCSXH tỉnh sẽ khẩn trương giải ngân đúng đối tượng khi có danh sách được phê duyệt.
NAM DU