Ngân hàng chung tay xây dựng nông thôn mới
Trong thành công của Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020 có sự đóng góp, hỗ trợ rất quan trọng của ngành Ngân hàng khi đã chủ động tham mưu trình Chính phủ ban hành chính sách tín dụng dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đồng thời ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực tam nông.
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, sau 9 năm thực hiện đến nay cả nước đã có 4.475 xã (chiếm 50,26% số xã) đạt chuẩn NTM, 84 đơn vị cấp huyện thuộc 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (chiếm khoảng 12,65% tổng số huyện, thị xã, thành phố của cả nước) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; bình quân toàn quốc đạt 15,26 tiêu chí/xã và cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí. Trong đó, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã trở thành nguồn lực quan trọng của Chương trình MTQG xây dựng NTM góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Nổi bật nhất là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động tham mưu trình Chính phủ ban hành chính sách tín dụng dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Để tổ chức triển khai có hiệu quả chính sách của Chính phủ, NHNN cũng đã ban hành các thông tư hướng dẫn triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đồng thời ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, NHNN đã có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) mở rộng mạng lưới chi nhánh, điểm giao dịch tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; phát huy tốt vai trò của quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính quy mô nhỏ trong công cuộc hiện thực chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. NHNN cũng đã tích cực trong việc chỉ đạo triển khai chính sách tín dụng tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội như Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam... đưa vốn đến tận người dân một cách hiệu quả nhất, giúp hàng triệu hộ nông dân khu vực nông thôn được tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ngân hàng.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách nêu trên, nguồn vốn tín dụng trên địa bàn các xã trong những năm vừa qua đã đạt kết quả đáng khích lệ: Hiện nay, đã có 66 TCTD và gần 1.200 quỹ tín dụng nhân dân, nhiều công ty tài chính vi mô, các quỹ và chương trình, dự án tài chính vi mô tham gia cho vay nông nghiệp, nông thôn. Dư nợ cho vay xây dựng NTM tăng trưởng đều qua các năm, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2018 khoảng 24% (cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn quốc). Tính đến ngày 30/6/2019, dư nợ cho vay trên địa bàn các xã trên toàn quốc đạt 1.147.304 tỷ đồng với gần 10 triệu doanh nghiệp, hộ gia đình, hợp tác xã; gấp 5,82 lần so với dư nợ cuối năm 2010. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng chiếm tỷ trọng 48,6% giai đoạn 2010-2015 và ước đạt tỷ trọng trên 50% giai đoạn 2016- 2020 trong tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình, cao hơn so với tỷ lệ đặt ra là 30% tại Quyết định 800/QĐ-TTg và 40% tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg.
Trong nhiều địa phương của cả nước có thể kể đến Nam Định như một dẫn chứng tiêu biểu. Công cuộc xây dựng NTM nơi đây không chỉ đặt lên vai hai chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nam Định mà có sự tham gia của hầu hết các ngân hàng thương mại, kể cả các ngân hàng thương mại cổ phần không có vốn nhà nước cũng đã có mạng lưới hoạt động tại địa bàn nông thôn.
Với những nỗ lực không mệt mỏi của NHNN chi nhánh tỉnh Nam Định và hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã góp phần đưa tăng trưởng dư nợ tín dụng nông thôn mới của tỉnh bình quân trong giai đoạn 2010-2019 tăng 26,4%. Tính đến đầu tháng 10/2019, dư nợ cho vay xây dựng NTM tại 209 xã của tỉnh đạt 31.984 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,4% trong tổng dư nợ cho vay đối với xã xây dựng nông thôn mới. Số khách hàng còn dư nợ là 210.440 khách hàng (hộ dân 209.568; doanh nghiệp 860; HTX 12). Bình quân dư nợ mỗi xã xây dựng nông thôn mới đến tháng 10 là 153 tỷ đồng/xã, tăng 103 tỷ đồng/xã so với năm 2011.
Đầu tư tín dụng đối với khu vực nông thôn được điều chỉnh hợp lý, hiệu quả và an toàn hơn, tín dụng được tập trung vào cho vay theo mô hình liên kết sản xuất với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao phục vụ xuất khẩu, góp phần đưa thu nhập của người dân ở nông thôn trong năm 2018 tăng hơn 3,5 lần so với năm 2010. Cơ cấu thu nhập của các hộ dân ở nông thôn Nam Định có sự thay đổi mạnh mẽ, số hộ có thu nhập chính ngoài nông nghiệp chiếm trên 80%. Mức sống của người dân nông thôn được cải thiện đáng kể, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn giảm còn 1,35 lần, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn dưới 2%.
Có thể thấy rằng, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã trở thành nguồn lực quan trọng của Chương trình MTQG xây dựng NTM, cùng với nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình MTQG xây dựng NTM; tạo điều kiện khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương; các tổ chức và cá nhân tại khu vực nông thôn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững; xây dựng NTM đã chuyển sang giai đoạn nâng cao tiêu chí và xây dựng NTM kiểu mẫu.