Ngân hàng của các quỹ tín dụng nhân dân miền Tây Bắc
Sự hiện diện của Ngân hàng Hợp tác tại tỉnh Yên Bái đã giúp các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn 3 tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu mạnh dạn hơn trong việc vay vốn để mở rộng cho vay thành viên thay vì trước đây thu hút được vốn chừng nào thì cho vay thành viên chừng ấy.
Ngân hàng Hợp tác chi nhánh Yên Bái đang trở thành một kênh hỗ trợ vốn cho người dân phát triển nông nghiệp nông thôn, hay hỗ trợ giáo viên vùng cao cải thiện chất lượng sống, gắn bó với trường với lớp.
Kết nối thành một khối
Chân ướt, chân ráo đến mảnh đất Yên Bái, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà ông Trần Văn Vạn - Giám đốc Ngân hàng Hợp tác chi nhánh Yên Bái và Ban lãnh đạo đặt ra chính là huy động vốn làm tiền đề thực hiện nhiệm vụ trọng tâm đối với thành viên QTDND.
Tuy nhiên, việc mở rộng huy động là không hề dễ dàng trên một địa bàn mà các TCTD đã “bám rễ” nhiều năm. Việc tạo niềm tin trên thị trường càng thêm khó khi nhiều người dân nơi đây chưa thực sự hiểu rõ về Ngân hàng Hợp tác. Vấn đề tuyên truyền, gia tăng thương hiệu trong cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, tổ chức trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Vì vậy, Chi nhánh vận dụng tối đa mọi kênh tuyên truyền tới cộng đồng. Chi nhánh đã cử cán bộ trực tiếp về các QTDND tuyên truyền để mọi người hiểu được vai trò của Ngân hàng Hợp tác đối với hoạt động của quỹ, từ đó dần tạo được uy tín, niềm tin và sự ủng hộ của các cấp chính quyền và người dân.
Ông Trần Văn Vạn hồi tưởng: khi đặt chân lên mảnh đất này, chúng tôi đặt nhiệm vụ là phải kết nối hệ thống QTDND tại 3 tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu lại, quan trọng hơn là làm tốt vai trò ngân hàng của QTDND. Khẳng định vai trò và vị thế của một mô hình kinh tế tập thể cung ứng vốn cho hộ gia đình phát triển kinh tế đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng xâu vùng xa. Để làm được điều đó, Ban lãnh đạo Chi nhánh nhận định, yếu tố đầu tiên phải là con người, vì vậy, lãnh đạo đã phân công cán bộ Chi nhánh trực tiếp tiếp cận, thực hiện các nghiệp vụ, tập trung hỗ trợ tối đa cho QTDND.
Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo chi nhánh Ngân hàng Hợp tác Yên Bái cũng luôn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của từng QTDND để từ đó đưa ra tư vấn và lên kế hoạch hỗ trợ cho các QTDND.
Đặc biệt, với nhiều QTDND ở vùng xa và các quỹ ở giáp ranh các tỉnh này hoặc các quỹ có đường đi lại khó khăn như QTDND Châu Quế Hạ, thì có những thời điểm, đặc biệt là dịp cuối năm, chi nhánh đã hỗ trợ nhận tiền gửi và chi trả tận nơi cho các quỹ. Bên cạnh đó, Ngân hàng Hợp tác chi nhánh Yên Bái cũng đã đẩy mạnh các biện pháp huy động, thu hút nguồn vốn nhàn rỗi tại địa phương, áp dụng lãi suất linh hoạt cạnh tranh, đồng thời tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ trụ sở chính để đảm bảo nhu cầu chi trả tiền gửi thanh toán và an toàn hệ thống.
Tăng “sức nặng” cho QTDND
Cũng từ khảo sát hệ thống QTDND thành viên trên các địa bàn, Giám đốc Trần Văn Vạn nhận ra nhiều quỹ có quy mô vốn nhỏ là do trước đây, trong vùng chỉ có Ngân hàng Hợp tác chi nhánh Phú Thọ ở quá xa khiến việc tiếp cận rất khó khăn, nên các quỹ thường “có sao dùng vậy”. Chính điều này lại khiến các quỹ khó phát triển, chi phí hoạt động cao, từ đó hạn chế việc hỗ trợ người dân về lãi suất. Trong khi đó, nhiều vùng trên địa bàn có ưu thế phát triển cây hàng hóa nhưng lại thiếu vốn phát triển.
Bởi vậy, chi nhánh đã tranh thủ các nguồn vốn ưu đãi từ Trung ương để tiếp cận cho vay các QTDND hỗ trợ thành viên phát triển thế mạnh kinh tế của tỉnh như dự án vay AFD, ADB cho vay khu vực nông thôn, trong đó có cho vay trồng chè và làm hầm biogas. Với mức lãi suất cho vay thấp, nguồn vốn này đã nhanh chóng được nhiều QTDND đón nhận, mở rộng cho vay thành viên.
Hiệu quả từ việc sử dụng nguồn vốn từ Ngân hàng Hợp tác để mở rộng cho vay thành viên ngày một rõ trong đời sống cũng đã khơi mở dần tâm lý tự tin cho nhiều QTDND trong hoạt động kinh doanh. Các QTDND đã chủ động vay vốn Ngân hàng Hợp tác mở rộng hỗ trợ thành viên. Từ dư nợ 30 tỷ đồng (chuyển từ Ngân hàng Hợp tác chi nhánh Phú Thọ sang) cho vay hệ thống QTDND, đến cuối năm 2018, dư nợ cho vay QTDND trên địa bàn đã đạt 112,9 tỷ đồng và đến nay đạt hơn 154,5 tỷ đồng với 17/21 quỹ có dư nợ. Quy mô của nhiều QTDND cũng từ đó đã tăng nhanh và mạnh như QTDND Lai Châu, nguồn vốn vay Ngân hàng Hợp tác là 16,2 tỷ đồng đã giúp quỹ này tăng quy mô dư nợ lên gần gấp đôi, năm 2018 đạt 33,489 tỷ đồng. Hay như QTDND Nguyễn Huệ, với việc vay Ngân hàng Hợp tác 18,9 tỷ đồng, dư nợ của quỹ đến cuối năm 2018 đã tăng lên 41,388 tỷ đồng và năm 2019 này, quy mô cho vay đã lên đến 60,8 tỷ đồng…
“Từ khi Ngân hàng Hợp tác chi nhánh Yên Bái đi vào hoạt động, chúng tôi tự tin hơn, được Ngân hàng Hợp tác cho vay vốn thuận tiện nên QTDND đã chủ động lên kế hoạch mở rộng phát triển thành viên”, chị Đỗ Thị Nhung - Chủ tịch HĐQT QTDND Nam Cường chia sẻ.
Cùng với đó, một điểm nhấn nữa là mối liên kết giữa Ngân hàng Hợp tác và QTDND từ sản phẩm cho vay hợp vốn. “Để có thể hỗ trợ nhanh nhất cho QTDND cho vay thành viên, ngay khi QTDND có thư mời hợp vốn, chi nhánh đã cử ngay cán bộ lên trực tiếp cùng quỹ thẩm định hồ sơ, đủ điều kiện là chuyển khoản cho vay kịp ngay trong ngày”, ông Trần Văn Vạn khẳng định. Hiện có 7 QTDND đang còn dư nợ 15 tỷ với Chi nhánh trong cho vay hợp vốn. Đã có 2 QTDND tham gia dịch vụ chuyển tiền Ngân hàng điện tử CF-eBank; 2 QTDND sử dụng sản phẩm cho vay thấu chi cho nhân viên. Nhiều QTDND cũng đang hoàn tất các thủ tục và điều kiện để tham gia các dịch vụ này.
Bên cạnh hỗ trợ tích cực cho QTDND thì cho vay ngoài thành viên cũng được chi nhánh chú trọng, đặc biệt cho vay người dân trong khu vực, qua đó, gia tăng niềm tin và giá trị thương hiệu của Ngân hàng Hợp tác chi nhánh Yên Bái và cũng là đảm bảo hiệu quả hoạt động để chi nhánh có nền tảng và điều kiện hỗ trợ tốt hơn cho các QTDND.
Với những bước đi vững chắc, Ngân hàng Hợp tác chi nhánh Yên Bái sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò ngân hàng đầu mối thực hiện chức năng điều hòa vốn cho các QTDND trên địa bàn 3 tỉnh miền Tây Bắc là Yên Bái, Lào Cai và Lai Châu.