Ngân hàng đã giảm lãi, doanh nghiệp kỳ vọng được hỗ trợ thêm

Các ngân hàng thương mại ở Phú Yên đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ảnh: LÊ HẢO

Thời gian qua, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã áp dụng nhiều biện pháp như miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới với lãi suất ưu đãi... để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp kỳ vọng ngân hàng nâng mức hỗ trợ để giúp họ vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

10.195 tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi COVID-19

Theo cam kết, 16 ngân hàng thương mại lớn sẽ giảm hơn 20.000 tỉ đồng lợi nhuận để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Mới đây, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, tính từ 15/7-31/8, tổng số tiền lãi 16 ngân hàng này đã giảm cho khách hàng trên toàn quốc là 8.865 tỉ đồng, đạt 43% so với cam kết.

Hơn 3 tháng qua, Công ty TNHH Mỹ thuật Quảng cáo Hoài Hưng (TP Tuy Hòa) phải tạm ngưng hoạt động để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. “Doanh nghiệp hoạt động một phần từ vốn vay nên khi phải tạm ngưng kinh doanh, chúng tôi đương nhiên gặp khó khăn trong việc tìm nguồn thu để trả nợ. May là ngân hàng đã kịp thời liên hệ, hỗ trợ giảm lãi suất và cho vay mới với lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh nên chúng tôi rất mừng”, bà Nguyễn Thị Kim Tuyền, Phó Giám đốc công ty này cho biết.

Không riêng Công ty TNHH Mỹ thuật Quảng cáo Hoài Hưng, thời gian qua, trước tình hình khó khăn của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các tổ chức tín dụng ở Phú Yên đã kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ khách hàng theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời chủ động tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, xem xét miễn, giảm lãi vay, phí dịch vụ phù hợp với điều kiện tài chính để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, tính đến cuối tháng 8/2021, trên địa bàn tỉnh có hơn 10.195 tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chiếm gần 1/3 tổng dư nợ trên địa bàn tỉnh. Trong đó, dư nợ khách hàng cá nhân 5.057,4 tỉ đồng, dư nợ khách hàng doanh nghiệp hơn 5.133 tỉ đồng. Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn theo các thông tư 01, 03 và 14 của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng ở Phú Yên đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 121 khách hàng với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu lại gần 604,8 tỉ đồng. Miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 99 khách hàng với tổng giá trị dư nợ đã được miễn giảm, lãi gần 1.386 tỉ đồng; số lãi được miễn, giảm là 4,04 tỉ đồng. Các ngân hàng còn cho vay mới với doanh số lũy kế đạt 21.895 tỉ đồng; số khách hàng còn dư nợ là 5.411 cá nhân, doanh nghiệp.

“Hầu hết các ngân hàng thương mại trên địa bàn giảm lãi suất cho khách hàng vay mới hoặc đang có dư nợ tại ngân hàng từ 0,5-2%; đồng thời cung ứng nhiều sản phẩm, gói tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng để phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng vẫn bảo đảm các tiêu chuẩn về cho vay. Bên cạnh đó, một số ngân hàng thương mại còn áp dụng chính sách miễn phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống đối với khách hàng cá nhân và tổ chức có tài khoản thanh toán tại ngân hàng qua các kênh giao dịch của ngân hàng; giảm mức phí thanh toán theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và chính sách của hội sở nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch”, ông Trần Văn Trí, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên cho biết.

Hỗ trợ nhưng phải đảm bảo an toàn hoạt động

Ghi nhận những nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ông Ngô Đa Thọ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Phú Yên nói: Vừa qua, hệ thống ngân hàng đã chia sẻ với doanh nghiệp bằng cách thực hiện nhiều biện pháp giảm lãi suất, kéo dài thời hạn trả nợ. Tuy nhiên, thời gian cơ cấu lại nợ còn ngắn, mức giảm lãi suất còn thấp, chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp. Nhất là khi lợi nhuận ngân hàng qua công bố còn cao, còn dư địa để hỗ trợ doanh nghiệp. Chưa kể, hầu hết tài sản của doanh nghiệp đã thế chấp cho ngân hàng, nếu thẩm định lại trong bối cảnh hiện nay sẽ giảm giá nên doanh nghiệp kiến nghị ngân hàng nâng hạn mức cho vay để doanh nghiệp có điều kiện khôi phục hoạt động.

Còn theo bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch CLB Nữ doanh nhân tỉnh, doanh nghiệp ở Phú Yên phần lớn có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ nên bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi tác động của dịch COVID-19. Do đó, doanh nghiệp tha thiết mong Ngân hàng Nhà nước ban hành các quy định hỗ trợ thông thoáng để ngân hàng thương mại mạnh dạn thực hiện nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Bởi với tình hình dịch bệnh như thế này, ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp không có nợ quá hạn, phải có báo cáo tài chính, kiểm toán đầy đủ mới hỗ trợ thì rất khó.

Ông Trần Văn Trí cho hay: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên chỉ đạo rất sát sao, kịp thời việc triển khai các chính sách hỗ trợ của ngành đối với người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế phải theo quy định của hội sở chính từng ngân hàng để đảm bảo an toàn hoạt động và tránh tình trạng trục lợi chính sách. Bởi nếu doanh nghiệp gặp khó khăn do các nguyên nhân khác chứ không phải do đại dịch COVID-19 thì phải loại trừ. Và ngân hàng cũng không thể lợi dụng việc hỗ trợ để làm đẹp bảng cân đối nợ xấu. Với những kiến nghị của doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên sẽ ghi nhận và đề xuất với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo hội sở chính của các ngân hàng thương mại triển khai.

LÊ HẢO

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/265962/ngan-hang-da-giam-lai-doanh-nghiep-ky-vong-duoc-ho-tro-them.html