Ngân hàng dễ bị tẩy chay bán bảo hiểm, nếu gian dối, mập mờ
Nhân viên tư vấn của ngân hàng mập mờ, thiếu minh bạch khi tư vấn sản phẩm bảo hiểm, cố tình nhập nhèm giữa bảo hiểm và gửi tiết kiệm khiến nhiều người tiêu dùng mất niềm tin, dẫn đến tẩy chay bảo hiểm nhân thọ.
Nhập nhèm bảo hiểm - tiết kiệm, thổi phồng quá mức về lợi nhuận
Sau khi diễn viên Ngọc Lan lên tiếng vì “bị lừa” khi mua bảo hiểm nhân thọ, ngày càng nhiều người dân phản ánh về hành vi bán bảo hiểm mập mờ, thiếu minh bạch của cả các đại lý bảo hiểm nhân thọ lẫn ngân hàng thương mại.
Chị Hoàng Thu Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, năm ngoái, chị gửi tiết kiệm tại ngân hàng T. và được nhân viên ngân hàng này tư vấn gói tiết kiệm lợi nhuận cao không kém lãi suất tiết kiệm, lại kèm thêm quyền lợi bảo hiểm, thời gian tham gia chỉ cần 5 năm.
Tin tưởng sản phẩm mà nhân viên ngân hàng giới thiệu là sản phẩm gửi tiết kiệm, chị Hương đồng ý ký hợp đồng. Mãi sau khi xảy ra trường hợp hàng chục khách hàng tố cáo các khoản tiền gửi tại SCB bị “hô biến” thành hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ, giật mình xem lại hợp đồng, chị Hương mới “tá hỏa” nhận ra, mình cũng bị lừa.
“Tôi đã nhiều lần lên kiện ngân hàng đòi trả lại hợp đồng, nhưng phía ngân hàng từ chối giải quyết, vì tôi không có bằng chứng. Nếu ngay từ đầu, nhân viên tư vấn nói là bán bảo hiểm nhân thọ, tôi sẽ không bao giờ mua. Chắc chắn nhiều người cũng bị lừa như tôi”, chị Hương bức xúc nói.
Bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm nhân văn, song không phù hợp với nhu cầu và thu nhập của nhiều người dân, nhất là những người có tài chính hạn hẹp. Nhiều người tiêu dùng cho biết đã cố tình “né” mua bảo hiểm nhân thọ từ người quen, bạn bè làm đại lý bảo hiểm, song lại “sập bẫy” mua bảo hiểm nhân thọ khi gửi tiền tại các nhà băng, do nhầm lẫn với sản phẩm tiết kiệm.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, nguồn lợi quá lớn từ bảo hiểm cộng với sức ép về chỉ tiêu khiến nhiều nhân viên ngân hàng tìm khách “ép” khách mua bảo hiểm, thậm chí tư vấn sai về bảo hiểm nhân thọ. Bản chất của bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm bảo vệ rủi ro, chứ không phải là sản phẩm sinh lời. Trong khi đó, nhiều nhân viên ngân hàng lại thổi phồng về mức sinh lời, bỏ quan các vấn đề khác mà lẽ ra người tiêu dùng phải cân nhắc, như kỳ hạn đóng phí dài, nếu rút trước hạn gần như sẽ bị mất hết…
Bà Phạm Thu Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho rằng, bảo hiểm nhân thọ ra đời xuất phát từ nhu cầu thực tế. Nếu đáp ứng đúng, trúng nguyện vọng của người tham gia trên cơ sở tự nguyện, thì thị trường bảo hiểm nhân thọ sẽ phát triển bền vững, song nếu có yếu tố ép buộc, lừa đảo, thì thị trường này sẽ không thể bền.
Khẳng định tình trạng ép khách chỉ xảy ra tại số ít, chứ không phải ở tất cả ngân hàng, song TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc xốc lại thị trường bảo hiểm là rất cần thiết, từ đào tạo lại nhân viên tư vấn và quy trình bán bảo hiểm, chuẩn hóa mẫu hợp đồng theo hướng đơn giản hóa… cho tới phân nhóm sản phẩm bảo hiểm thông dụng hơn cho người dân.
Theo TS. Cấn Văn Lực, một trong những lý do khiến nhiều khách hàng gật đầu ký hợp đồng bảo hiểm mà không hiểu nội dung là do hợp đồng bảo hiểm quá dài và phức tạp, có trường hợp lên tới cả trăm trang. Trong khi đó, ở nước ngoài, mẫu hợp đồng bảo hiểm rất đơn giản.
Ngân hàng sẽ giảm thu nhập từ bảo hiểm?
Năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua ngân hàng (kênh bancassurance) tăng 45%; tổng thu phí bảo hiểm tại các ngân hàng niêm yết tăng 16,4% so với năm 2021. Các ngân hàng dẫn đầu về doanh số bán bảo hiểm gồm MB, VIB, Sacombank, ACB... Một số ngân hàng từ mô hình giới thiệu bảo hiểm đã chuyển sang mô hình bán bảo hiểm trực tiếp để nhận hoa hồng cao hơn. Những hợp đồng độc quyền bán bảo hiểm ngàn tỷ đồng đã mang lại nguồn lợi lớn cho các ngân hàng.
Theo bà Phạm Thu Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), thời gian qua, còn tồn tại hiện tượng một số nhân viên ngân hàng gợi ý, chèo kéo khách hàng tham gia bảo hiểm nhân thọ khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng, làm mất đi tính tự nguyện tham gia bảo hiểm của khách hàng, khiến khách hàng cảm thấy ấm ức, không thoải mái.
“Hoạt động này đã vi phạm nguyên tắc ‘tự nguyện’ được quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm”, bà Hương nói.
Năm ngoái, MB là ngân hàng có doanh thu bảo hiểm lớn nhất hệ thống (10.185 tỷ đồng) nhờ sở hữu 2 công ty bảo hiểm.
Ngân hàng thứ hai thắng đậm nhờ bảo hiểm là VPBank. Năm 2022, doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm của VPBank đạt 3.353 tỷ đồng, chiếm 32% tổng thu nhập dịch vụ, tăng trưởng 42%. Chưa kể, năm 2022, VPBank còn thu về khoảng 8.000 tỷ đồng từ thương vụ tái ký thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm với Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA (Việt Nam).
Techcombank, TPBank, VIB cũng là các ngân hàng có doanh thu và lợi nhuận từ bảo hiểm lớn.
Mặc dù vậy, những lùm xùm về bảo hiểm nhân thọ gần đây có thể khiến hoạt động bán chéo bảo hiểm của các ngân hàng năm nay gặp khó khăn.
Hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng nếu triển khai đúng sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Việc tư vấn mập mờ, thậm chí gian dối, sẽ khiến ngân hàng và bảo hiểm nhân thọ bị người dân tẩy chay, ảnh hưởng đến sự phát triển dài hạn của thị trường này.
Theo TS. Cấn Văn Lực, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho thị trường bảo hiểm. Theo đó, Bộ Tài chính cần sớm ban hành thông tư, quy định, hướng dẫn, triển khai Luật Kinh doanh bảo hiểm; Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần tiếp tục rà soát lại các văn bản để quản lý hoạt động bancassurance hiệu quả hơn nữa.
Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN cho biết, thời gian qua, NHNN nhận được nhiều kiến nghị, phản ánh của người dân liên quan đến việc ngân hàng ép khách mua bảo hiểm hoặc tư vấn nhầm lẫn bảo hiểm với sản phẩm tiết kiệm tiền gửi. NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát toàn bộ, đảm bảo việc duyệt hồ sơ đúng quy định, cung cấp thông tin về doanh nghiệp bảo hiểm rõ ràng, chính xác. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động này.