Ngân hàng, doanh nghiệp bán vàng vì mục tiêu 'bình ổn', không vì lợi nhuận

Nhóm ngân hàng Big4 và Công ty SJC sẽ bán vàng nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường vàng theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, không vì mục tiêu lợi nhuận.

SJC sẽ là đơn vị thứ 5 tham gia mua vàng từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để bán trực tiếp tới người dân. Ảnh minh họa

SJC sẽ là đơn vị thứ 5 tham gia mua vàng từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để bán trực tiếp tới người dân. Ảnh minh họa

Ngân hàng tham gia bán vàng để bình ổn thị trường, không vì lợi nhuận

Theo thông báo từ Ngân hàng Nhà nước trong chiều 2/4 thì ngoài 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank) đã được thông báo trước đó thì nay sẽ có thêm Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC sẽ là đơn vị thứ 5 tham gia mua vàng từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để bán trực tiếp tới người dân.

Được biết, SJC là doanh nghiệp kinh doanh vàng 100% vốn nhà nước trực thuộc Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh, với kinh nghiệm trên 35 năm trong lĩnh vực kinh doanh vàng cũng tham gia mua bán vàng. SJC có mạng lưới phân phối gồm hơn 200 cửa hàng, 43 đại lý chính thức, trong đó có 36 cửa hàng được phép giao dịch vàng miếng SJC.

SJC là thương hiệu được Ngân hàng Nhà nước lấy để sản xuất vàng miếng và chịu trách nhiệm về chất lượng vàng miếng SJC. Thế nên, việc tham gia của SJC sẽ bổ sung thêm số lượng đơn vị tham gia cung ứng vàng trực tiếp tới người dân.

Trong thông báo của mình, Ngân hàng Nhà nước cũng lưu ý, các ngân hàng thương mại Nhà nước chỉ thực hiện bán vàng miếng SJC cho khách hàng cá nhân và không thực hiện mua vàng miếng SJC từ khách hàng. Công ty SJC thực hiện tất cả các giao dịch mua - bán vàng miếng SJC.

Việc 5 đơn vị này tham gia mua bán vàng theo phương án của Ngân hàng Nhà nước được hy vọng góp phần quyết tâm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc đưa giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới.

Trước thông tin Ngân hàng Nhà nước thông báo phương án mới về bình ổn thị trường vàng, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Học viện Tài chính cho rằng đây là giải pháp cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo ông: “Giá vàng trong nước và thế giới thời gian qua có sự chênh lệch nhau khá lớn. Chính vì vậy, việc 4 ngân hàng và công ty SJC bán vàng miếng trực tiếp sẽ giúp thị trường vàng bình ổn và làm giảm khoảng cách chênh lệch này”.

“Số lượng vàng miếng được cung cấp qua các đơn vị này ra thị trường một cách trực tiếp, đảm bảo giá hợp lý hơn trên cơ sở Ngân hàng Nhà nước căn cứ vào giá vàng thế giới cộng thêm các khoản chi phí cần thiết và đảm bảo tính công khai, minh bạch khi thông tin mua - bán vàng được công khai, có hóa đơn điện tử, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng...”, ông Thịnh nhận định.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho biết người mua vàng tại các ngân hàng và công ty SJC có thể bán lại tại các doanh nghiệp kinh doanh như SJC, DOJI, PNJ... hay bất cứ doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh vàng được phép hoạt động theo quy định của Nhà nước. Vị chuyên gia này cũng khuyên người dân cần cân nhắc mua vàng tại thời điểm này vì hiện mục tiêu của Nhà nước là bình ổn và kéo gần mức chênh lệch so với giá vàng thế giới.

Người dân mua vàng từ các ngân hàng như thế nào

Trong ngày 3/6/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã trực tiếp thông báo giá bán vàng miếng. Cụ thể: Căn cứ phương án bán vàng miếng SJC trực tiếp cho 04 Ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN) và Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phê duyệt, giá bán vàng miếng trực tiếp ngày 03/6/2024 như sau:

Giá bán vàng miếng SJC của NHNN: 78.980.000 đồng/ lượng (Bảy mươi tám triệu chín trăm tám mươi nghìn đồng/lượng) “NHNN sẽ tiếp tục thực hiện theo lộ trình thu hẹp chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới”.

Giá vàng trong nước được kỳ vọng sẽ bình ổn và không chênh lệch so với giá thế giới. Ảnh minh họa

Giá vàng trong nước được kỳ vọng sẽ bình ổn và không chênh lệch so với giá thế giới. Ảnh minh họa

Câu hỏi được đặt ra là người dân khi có nhu cầu sẽ tiến hành mua vàng miếng tại các ngân hàng như thế nào? Theo Ngân hàng Vietcombank, người dân khi có nhu cầu mua vàng miếng thì đến trực tiếp tại các điểm bán vàng của ngân hàng này, thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và nhận vàng giao ngay. Người mua sẽ được cung cấp hóa đơn điện tử.

Trường hợp khối lượng lớn, Vietcombank nói khách hàng cần khai báo các thông tin theo quy định về phòng chống rửa tiền hoặc mở tài khoản tại nhà băng này trước khi giao dịch.

Còn tại Agribank, thông báo của ngân hàng này cho biết người dân mua vàng cần lưu ý các thủ tục liên quan đến định danh của cá nhân và tuân thủ quy định giao dịch, thanh toán về hóa đơn và phòng chống rửa tiền.

NHNN cũng nhấn mạnh nếu người dân dự kiến mua vàng khối lượng lớn, để đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền, người dân cần chuẩn bị sẵn thông tin để khai báo hoặc thực hiện mở tài khoản tại các ngân hàng thương mại Nhà nước trước khi giao dịch hoặc thực hiện thanh toán bằng hình thức chuyển khoản để thuận tiện, nhanh chóng hơn trong giao dịch.

Hiện tại, người dân có thể vào website của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC để xem các địa điểm, thời gian bán vàng miếng cho khách hàng cá nhân chủ yếu tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Riêng Công ty SJC, việc bán vàng miếng sẽ được thực hiện tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hạ Long-Quảng Ninh, Nha Trang, Huế, Quảng Ngãi, Biên Hòa (Đồng Nai), Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau.

Được biết, Ngân hàng Nhà nước chỉ cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC công bố giá bán vàng miếng SJC theo đúng quy định trên website của các ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC và tại các địa điểm bán vàng nêu trên.

Ngô Sơn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ngan-hang-doanh-nghiep-ban-vang-vi-muc-tieu-binh-on-khong-vi-loi-nhuan-383078.html