Ngân hàng đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp sau bão Yagi
Bão số 3 (Yagi) gây thiệt hại nặng nề cho người dân và doanh nghiệp các tỉnh miền Bắc. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng bên cạnh biện pháp khoanh nợ, hoãn giãn nợ, giảm lãi cho các doanh nghiệp, ngân hàng cần đẩy mạnh cho vay tiêu dùng để hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống sau bão lũ.
Theo thống kê ban đầu, đã có hàng trăm nghìn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng do bão lũ, hàng loạt ngân hàng đã công bố giảm lãi vay để hỗ trợ khách hàng.
Giảm 0,5-1% lãi suất cho vay với khách hàng bị ảnh hưởng bão lũ
Anh Vũ Văn Cường, Khu 3 Tân An (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) cho biết sau cơn bão Yagi, 3 bè cá của gia đình anh đã bị cuốn trôi, thiệt hại gần 15 tỷ đồng. "Nếu giờ ngân hàng siết nợ, chúng tôi cũng chẳng biết làm thế nào. Chỉ mong ngân hàng thương mà hoãn nợ, giãn nợ cho bà con, cho bà con vay tiền để làm lại và có tiền trả nợ ngân hàng”, anh Cường nói.
Trước tình hình thiệt hại của người dân, doanh nghiệp, hàng loạt ngân hàng đã công bố kế hoạch hỗ trợ, đặc biệt là giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng.
Ông Lê Hoàng Tùng, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, theo ước tính, có gần 6.000 khách hàng của Vietcombank bị ảnh hưởng bởi bão lũ với tổng dư nợ khoảng 71.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng tại địa bàn Hải Phòng, Quảng Ninh có 230 khách hàng bị ảnh hưởng với tổng dư nợ khoảng 13.300 tỷ đồng.
Để hỗ trợ, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhóm Big 4 (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) đang khẩn trương thống kê thiệt hại do bão lũ và lên kế hoạch hỗ trợ.
Điển hình, Vietcombank đã xem xét giảm lãi suất 0,5% trong giai đoạn từ ngày 6/9/2024 đến ngày 31/12/2024 đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, với dư nợ khoảng 130.000 tỷ đồng và số lượng khách hàng được giảm lãi suất là gần 20.000 khách hàng.
Chương trình giảm lãi suất áp dụng cho dư nợ hiện hữu cũng như dư nợ vay mới nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân có thể ổn định sản xuất, ổn định cuộc sống và tiếp cận với vốn tín dụng ngân hàng.
Ngoài các ngân hàng thương mại nhà nước, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân như MSB, ACB, VPBank… cũng nhanh chóng vào cuộc giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng.
Cụ thể, Eximbank triển khai chương trình ưu đãi, giảm 1-2% lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và doanh nghiệp siêu nhỏ (MSME) vượt khó khăn do bão Yagi.
Đối với khách hàng SME, Eximbank giảm thêm 1% lãi suất trong tháng đầu tiên, áp dụng theo chương trình ưu đãi lãi suất của Eximbank cho các khoản vay ngắn hạn (đối với vay VND). Ở các khoản vay trung và dài hạn, Eximbank miễn lãi suất 0% trong 2 tháng đầu và áp dụng lãi suất cố định 7,49%/năm cho 10 tháng tiếp theo.
MSB công bố giảm 1% lãi suất cho vay với khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ. ACB quyết định giảm 1-2% lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại trực tiếp từ thiên tai và áp dụng mức lãi suất 6% cho khoản vay mới hỗ trợ khách hàng khôi phục sản xuất, kinh doanh sau bão.
VPBank cũng công bố giảm trực tiếp lãi suất cho vay cho tất cả các khách hàng cá nhân có khoản vay hiện hữu tại ngân hàng và có tài sản bảo đảm. Cụ thể, các khoản vay trung và dài hạn sẽ được VPBank giảm 1% lãi suất, các khoản vay ngắn hạn được giảm 0,5% lãi suất. Chương trình hỗ trợ lãi suất của VPBank được triển khai từ 13/9 đến hết 31/12/2024, áp dụng tại tất cả các tỉnh, thành phố đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão Yagi như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên, Yên Bái…
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng
Trước nhu cầu vay tiêu dùng của người dân tăng cao để trang trải, ổn định cuộc sống sau ảnh hưởng của mưa bão gây ra, các chuyên gia tài chính cho rằng, một trong những phương thức giúp người dân nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn tín dụng tiêu dùng chính thức từ các ngân hàng, công ty tài chính là việc sử dụng thẻ tín dụng nội địa.
Hiện nay, thẻ tín dụng NAPAS do các ngân hàng và công ty tài chính Việt Nam phát hành gồm Agribank, VietinBank, Sacombank, ACB, NAB, HDBank, Vietbank, Baovietbank, OCB, VietABank... và 4 công ty tài chính gồm Vietcredit, FCCom, Mirae Asset, Mcredit.
Với các thẻ tín dụng nội địa, người dân có thể thực hiện chi tiêu trước, trả tiền sau các khoản sinh hoạt phí cấp thiết hiện nay, thời gian miễn lãi dài từ 45 - 55 ngày, hỗ trợ hiệu quả cho các khách hàng phát sinh nhu cầu tài chính đột xuất, không phải tìm đến hình thức cho vay tín dụng đen với lãi suất cao. Thủ tục mở thẻ đơn giản, chi phí phát hành và thanh toán thấp.
Về giải pháp hỗ trợ người dân phục hồi cuộc sống sau bão, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, để giải quyết những khó khăn sau bão lũ, cần triển khai cho vay tiêu dùng để người dân có thể có nguồn kinh phí mua sắm những đồ dùng trang thiết bị cho sinh hoạt cuộc sống.
Bên cạnh việc giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp, các ngân hàng cũng giảm lãi suất cho vay với khách hàng cá nhân. Chẳng hạn, đối với doanh nghiệp siêu nhỏ và khách hàng cá nhân, Eximbank giảm 2%/năm so với lãi suất thông thường, đưa lãi suất cho vay ưu đãi xuống từ 4,75%/năm cho các khoản vay ngắn hạn.
Theo đại diện Eximbank, chương trình giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho khách hàng, thể hiện cam kết của ngân hàng trong việc hỗ trợ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn.
"Hy vọng thông qua những giải pháp tài chính linh hoạt và hiệu quả, khách hàng sẽ sớm phục hồi và ổn định kinh doanh", đại diện Eximbank nói.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại cần tập trung hỗ trợ ngay cho doanh nghiệp, người dân vay vốn. Đồng thời, tạm thời khoanh nợ, hoãn giãn nợ, giảm lãi ngay những khoản nào đã đến hạn, những khoản nợ sắp tới hạn sẽ có cách xử lý tích cực hơn cho khách hàng, người vay vốn.