Ngân hàng First Republic bị tịch thu tài sản, bán lại cho JPMorgan
Toàn bộ số tiền gửi và phần lớn tài sản từ ngân hàng First Republic đã được bán cho ngân hàng JPMorgan Chase nhằm ngăn khủng hoảng ngân hàng lún sâu tại Mỹ.
Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên Bang Mỹ (FDIC) ngày 1/5 thông báo tịch thu tài sản của ngân hàng First Republic và bán lại cho JPMorgan để ngăn cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng. FDIC cũng thông báo toàn bộ 84 chi nhánh của ngân hàng ở 8 tiểu bang đã được mở lại dưới danh nghĩa chi nhánh của ngân hàng JPMorgan Chase, AP đưa tin.
Ngay sau đó, những người đã gửi tiền có thể tiếp cận được khoản tiền gửi. Giới chức Mỹ được cho là muốn có lời giải cho việc tiếp quản First Republic trước khi thị trường chứng khoán mở cửa. Thị trường tại nhiều quốc gia đóng cửa ngày 1/5 để nghĩ lễ Quốc tế Lao động.
First Republic đã là vụ phá sản ngân hàng thứ 3 tại Mỹ sau hai tháng, kể từ sau vụ sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley. Đây cũng là ngân hàng lớn thứ 2 phá sản trong lịch sử nước Mỹ, chỉ sau Washington Mutual vào năm 2008 - cũng được JPMorgan mua lại sau đó.
Toàn bộ số tiền gửi trị giá 104 tỷ USD và phần lớn tài sản 229 tỷ USD của First Republic đã được bán cho JPMorgan, FDIC thông tin.
Cũng trải qua giai đoạn bùng nổ tương tự Silicon Valley Bank, First Republic phát triển từ việc cho những tỷ phú vay với lãi suất thấp. Song, ngân hàng này cũng gặp rủi ro là phần lớn tiền gửi đều không được bảo hiểm, khiến các nhà đầu tư lo ngại không rút được tiền trong trường hợp phá sản.
Cổ phiếu của First Republic đã giảm 97% so với thời điểm đầu năm. Động thái mua lại ngân hàng này được cho là ngăn nước Mỹ lún sâu vào rắc rối trong ngành tài chính.
Ngay sau thông tin trên, cổ phiếu của JPMorgan đã tăng 3% trước giờ mở cửa, theo CNBC.