Ngân hàng giảm lãi suất, doanh nghiệp mong giãn nợ
Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm thêm trong bối cảnh dòng vốn ồ ạt chảy vào ngân hàng, nhưng tín dụng lại tăng rất chậm.
Nỗ lực giảm lãi suất sẽ góp phần tạo nên tâm lý tích cực, hỗ trợ phần nào sự phục hồi của nền kinh tế.
Ngân hàng bước vào đợt giảm lãi suất mới
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa cắt giảm thêm một loạt lãi suất điều hành với mức cắt giảm 0,25-0,5%. Theo đó, từ ngày 1/10, trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm thêm 0,25%, trần lãi suất cho vay với lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5%. Một số lãi suất điều hành khác như lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn… cũng giảm 0,5%.
Thực tế, trước khi NHNN giảm lãi suất điều hành, nhiều ngân hàng đã giảm sâu lãi suất huy động xuống dưới mức trần của NHNN. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 1 - 5 tháng tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước chỉ 3,3-3,8%/năm (trần lãi suất mới là 4%/năm). Sau khi NHNN giảm lãi suất điều hành, chắc chắn làn sóng giảm lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại càng lan rộng.
Việc ngân hàng giảm lãi suất đã được báo trước, bởi tín dụng tăng chậm trong khi huy động vốn rất dồi dào, lãi suất liên ngân hàng thấp kỷ lục. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 22/9, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 7,7% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 8,79%), trong khi tín dụng chỉ tăng 5,12% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 8,51%). Nhu cầu vay vốn của nền kinh tế còn yếu cộng với tâm lý thận trọng của ngân hàng khiến tín dụng tăng chậm.
Việc giảm lãi suất sẽ không tác động nhiều đến kích cầu tín dụng, bởi nguyên nhân khiến doanh nghiệp không muốn vay vốn hiện nay không phải là lãi suất. Song theo các chuyên gia, nỗ lực giảm lãi suất sẽ góp phần tạo nên tâm lý tích cực, hỗ trợ phần nào sự phục hồi của nền kinh tế.
“Chính sách hạ lãi suất của Việt Nam dù không giúp tăng trưởng tín dụng, nhưng giúp giảm áp lực trả nợ rất nhiều. Nếu chúng ta kiểm soát tốt lạm phát trong thời gian tới, thì dư địa hạ lãi suất sẽ còn rất nhiều”, ông Phạm Thế Anh, Chuyên gia kinh tế, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường đại học Kinh tế Quốc dân nhận định.
Thận trọng vay vốn, doanh nghiệp chỉ mong giãn nợ
Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại khẳng định, dù lãi suất giảm thêm, song không vì thế mà kỳ vọng tín dụng tăng mạnh trở lại. “Nhiều doanh nghiệp vẫn trong cảnh ngủ đông và chỉ có nhu cầu được giãn nợ, giảm lãi suất cho các khoản vay hiện hữu hơn là vay mới. Tại Agribank, số khách hàng có nhu cầu được giãn nợ nhiều hơn số khách hàng có nhu cầu vay mới”, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Trung Hà, Phó tổng giám đốc Ngân hàng MB cho hay, trong quá trình tiếp xúc với doanh nghiệp, bản thân bà nhận thấy, chủ doanh nghiệp còn suy nghĩ thận trọng hơn cả ngân hàng. “Họ luôn tính toán phải đầu tư vào đâu, khi nào đi vay, vay bao nhiêu tiền”, bà Hà nói.
Theo lãnh đạo MB, giải pháp giãn, hoãn nợ theo Thông 01/2020/TT-NHNN thời gian qua rất hiệu quả với doanh nghiệp. Tại MB, nhiều khách hàng được giảm lãi suất, giãn, hoãn nợ đã bắt đầu trả được nợ từ quý II, quý III/2020, mà không cần chờ tới năm sau.
Mặc dù vậy, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại nhận định, khó khăn do Covid-19 sẽ còn kéo dài, ít nhất tới hết năm 2021. Chính vì vậy, việc kéo dài thời hạn giãn, hoãn nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ (sửa Thông 01/2020/TT-NHNN theo hướng kéo dài thời gian cơ cấu nợ) là rất cần thiết.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Đăng Phi, Phó chánh thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) cho biết, NHNN đã làm việc với Bộ Tài chính để thống nhất các nội dung sửa Thông tư 01/2020/TT-NHNN theo hướng vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa đảm bảo an toàn cho các ngân hàng.
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam là một trong những quốc gia mà chính sách tiền tệ phản ánh nhanh, mạnh và có hiệu quả nhất trong việc hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với Covid-19. Tuy vậy, để hỗ trợ tốt hơn cho nền kinh tế, cần sự tham gia nhiều hơn của chính sách tài khóa.
Trong đánh giá mới nhất về Covid-19 và chính sách ứng phó của Việt Nam, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, các giải pháp chính sách tiền tệ của NHNN thời gian qua là phù hợp, song dư địa chính sách tiền tệ đang dần bị thu hẹp. IMF khuyến nghị, Việt Nam cần có liều lượng chính sách nhiều hơn từ chính sách tài khóa.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ngan-hang-giam-lai-suat-doanh-nghiep-mong-gian-no-d130537.html