Ngân hàng gồng mình trước khó khăn kép
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các ngân hàng tiếp tục đối mặt mối lo về nợ xấu.
Các ngân hàng trong tỉnh vừa phải triển khai các biện pháp hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vừa tìm cách đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.
"Cú bồi” Covid-19
Gần nửa năm trước, dịch Covid-19 bùng phát, ca dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên ở Hải Dương được ghi nhận tại thôn Tiêu Sơn, xã Thanh Giang (Thanh Miện). Các cơ sở kinh doanh được yêu cầu tạm thời dừng hoạt động, hàng trăm xe khách im lìm nằm bến cùng hàng loạt doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp phải phân bổ lại giờ làm của công nhân do thiếu nguyên liệu đầu vào, khó tìm đơn hàng mới…
Dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đồng loạt triển khai các biện pháp “giải cứu doanh nghiệp”. Anh Đào Đắc Nguyên, chuyên viên bộ phận tín dụng doanh nghiệp của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chi nhánh Hải Dương nhớ lại: “Để có thể hỗ trợ kịp thời khách hàng, nhất là các doanh nghiệp, hầu hết cán bộ tín dụng của ngân hàng đều phải làm thêm giờ. Chỉ khi nắm bắt đầy đủ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương án trả nợ, ngân hàng mới có thể đưa ra mức hỗ trợ phù hợp”.
Khoảng 3 tháng sau thời điểm ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Hải Dương khỏi bệnh, “sức khỏe” nền kinh tế dần hồi phục với những tín hiệu tích cực từ thị trường tuyển dụng lao động, nhiều doanh nghiệp chuyển hướng kinh doanh. Nhưng doanh nghiệp chưa kịp "khỏe" lại thì dịch Covid-19 bùng phát lần 2. Một lần nữa các ngân hàng tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, đồng hành tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp.
Ông Trần Hữu Tuấn, Phó Trưởng Phòng phụ trách Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) chi nhánh Thành Đông chia sẻ: “Ngân hàng luôn sẵn sàng cùng khách hàng tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh bằng những biện pháp cụ thể, thiết thực”. Đến nay, chi nhánh này đã giảm lãi suất gần 1.000 tỷ đồng dư nợ với các mức giảm từ 0,1-2,5%/năm.
Cùng với hai ngân hàng trên, các ngân hàng khác trong tỉnh đã xây dựng nhiều chương trình, trực tiếp làm việc, nắm bắt mức độ ảnh hưởng và thiệt hại của khách hàng để có phương án hỗ trợ kịp thời.
Nỗi lo song hành
“Dù khó khăn cũng phải đồng hành, hỗ trợ khách hàng” dường như đã trở thành khẩu hiệu chung của toàn ngành ngân hàng thời gian qua. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương, tính đến ngày 4.9, các ngân hàng trong tỉnh đã thay đổi thời gian trả nợ cho hơn 600 khách hàng với tổng dư nợ hơn 1.870 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 12.800 khách hàng với tổng dư nợ hơn 26.100 tỷ đồng.
Để đóng góp vào sự hỗ trợ chung đó, nhiều ngân hàng đã phải thay đổi một số chỉ tiêu tăng trưởng hay cắt giảm lương, thưởng, chi phí hoạt động. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Hải Dương đã chủ động giảm 10% tổng chi phí hoạt động, tiết giảm triệt để các khoản chi hội nghị, công tác phí, mua sắm, sửa chữa trang thiết bị… để có nguồn lực giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng. Đơn vị cũng giảm tối đa 25% tiền lương năm 2020 của cán bộ, nhân viên.
Thời gian qua, hoạt động của các ngân hàng cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19. Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương, đến hết tháng 8, tổng dư nợ tín dụng của ngành đạt 83.000 tỷ đồng, tăng 1,4% so với cuối năm 2019 (trong khi cùng kỳ năm 2019 tăng 5,1%). Một số ngân hàng dự đoán các chỉ tiêu huy động và dư nợ tín dụng cuối kỳ quý III giảm từ 10-15% so với kế hoạch.
Các ngân hàng tiếp tục đối mặt mối lo về nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu cuối tháng 8 năm nay chiếm 1% tổng dư nợ, tăng 0,32% so với cuối năm 2019. Trong khi đó, với nhiều bất cập trong Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến thời điểm áp dụng việc giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại đối với các khoản vay, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục tăng, nhất là với những khoản vay ngắn hạn.
Trước những khó khăn đó, các ngân hàng thương mại cần tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng và trích lập dự phòng để đối phó với một số tình huống xấu có thể xảy ra. Nếu hạ chuẩn cho vay trong khi doanh nghiệp chưa có phương án phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững thì rủi ro gia tăng cho cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng, gây bất lợi cho nền kinh tế.