Ngân hàng GPBank dính cú lừa đau

Nhóm bị cáo câu kết với nhau dùng giấy đăng ký xe sang giả để qua mặt ngân hàng, vay số tiền lớn.

Các bị cáo tại tòa.

Các bị cáo tại tòa.

Ngày 8/11, Tòa án Nhân dân Hà Nội đã tuyên phạt Lại Duy Cương (sinh năm 1983, huyện Đông Anh) 13 năm tù; Hoàng Văn Hiểu (sinh năm 1992, huyện Đông Anh) 7 năm 6 tháng tù; Phạm Ánh Hậu (sinh năm 1991, ở quận Hoàn Kiếm) 12 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Phạm Trung Thành (sinh năm 1991, cựu cán bộ Ngân hàng GPBank) 36 tháng tù cho hưởng án treo (tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng).

Theo cáo buộc, khi có nhu cầu vay tiền tỷ của ngân hàng, bị cáo Cương được người quen giới thiệu gặp Thành, cán bộ tín dụng của GPBank, để Thành thẩm định nhu cầu vay vốn.

Vì không có tài sản thế chấp nên Cương đã nhờ Hiểu, nhân viên làm việc tại một gara ô tô ở huyện Đông Anh ký khống hợp đồng mua bán xe ô tô mang thương hiệu Lexus.

Vì được hứa hẹn quyền lợi đi kèm, dù không đứng tên đăng ký chiếc xe Lexus trên nhưng Hiểu đã đồng ý ký khống hợp đồng mua bán xe tô tô trên để giúp Cương.

Theo quy định của ngân hàng, khi thẩm định hồ sơ vay, Thành phải kiểm tra, thu thập bản gốc đăng ký xe để đối chiếu, nhưng cán bộ ngân hàng này đã không kiểm tra tính hợp pháp của tài sản bảo đảm.

Kết quả điều tra xác định: Cương dùng giấy đăng ký xe ô tô giả mang tên anh ta thế chấp ngân hàng để được giải ngân cho vay số tiền 1,2 tỷ đồng và chiếm đoạt số tiền này.

Sau lần đầu trót lọt, Cương tiếp tục nhờ Hiểu ký hợp đồng khống mua bán chiếc xe nhãn hiệu Landrover với Phạm Ánh Hậu để hoàn thiện thủ tục vay vốn ngân hàng.

Hậu đã cầm hợp đồng khống, giấy đăng ký xe giả để thế chấp vay tiền ngân hàng. Lần này, nhân viên ngân hàng tên Thành cũng không thẩm định giấy tờ gốc.

Dùng đăng ký xe ô tô giả mang tên mình, Hậu thế chấp ngân hàng vay được 1,2 tỷ đồng và chiếm đoạt số tiền này của GPBank.

Trong vụ án này, hành vi của Hiểu bị xác định giữ vai trò đồng phạm giúp sức cho Cương và Hậu.

Về phía bị cáo Phạm Trung Thành chưa từng nhìn thấy 2 chiếc ô tô này trên thực tế. Việc thẩm định tài sản đảm bảo trên của Thành đã dẫn đến việc cấp tín dụng không có tài sản đảm bảo, gây thiệt hại đặc biệt lớn với số tiền 2,4 tỷ đồng của GPBank.

Tại cơ quan điều tra, Cương khai sử dụng số tiền vay để mở thêm gara sửa ô tô ở TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Do làm ăn thua lỗ nên gara của Cương đã ngừng hoạt động. Bị cáo không có khả năng trả lại tiền cho ngân hàng.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phap-luat/ngan-hang-gpbank-dinh-cu-lua-dau-RpNmnic7g.html