Ngân hàng kêu gánh lỗ trăm tỷ từ SMS Banking
Các ngân hàng cho biết họ phải bù lỗ cho dịch vụ tin nhắn biến động số dư qua điện thoại (SMS Banking) mỗi năm cả trăm tỷ đồng nên ngân hàng buộc phải tăng phí dịch vụ này với mục tiêu để khách hàng chuyển sang nhận thông báo qua ứng dụng ngân hàng. Điều này khiến những người không dùng điện thoại thông minh gặp khó.
Đua nhau chuyển hình thức thông báo qua ứng dụng ngân hàng
Vừa qua, ba nhà băng có lượng khách hàng cá nhân lớn trên thị trường đều đồng loạt tăng phí thông báo biến động số dư qua tin nhắn, mức cao nhất lên 82.500 đồng.
Cuối năm 2021, Vietcombank đã gửi email cho khách hàng thông báo giảm toàn bộ phí dịch vụ trên ứng dụng ngân hàng số như phí duy trì tài khoản, phí chuyển tiền; đồng thời tăng phí tin nhắn SMS Banking lên theo số lượng tin nhắn trong tháng.Theo đó, dưới 20 tin nhắn thì phí 11.000 đồng/tháng, từ 20-50 tin nhắn phí 27.500 đồng/tháng, từ 50-100 tin nhắn phí là 55.000 đồng/tháng, từ 100 tin nhắn trở lên là 77.000 đồng/tháng.
Tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đối với 0-15 SMS/tháng, ngân hàng thu phí 9.900 đồng, từ 16-50 SMS/tháng thu phí 33.000 đồng, từ 51-100 SMS/tháng có phí 60.500 đồng và từ 100 SMS/tháng thu phí 77.000 đồng.
Tại Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), phí SMS Banking được chia theo các mốc: 0-15 SMS/tháng phí 13.200 đồng, 16-30 SMS/tháng phí 19.800 đồng, 31-60 SMS/tháng phí 44.000 đồng, trên 61 SMS/tháng 82.500 đồng/tháng.
Ngoài ra, một nhà băng tư nhân khác là ACB cũng đã ngưng dịch vụ thông báo bằng SMS với giao dịch thẻ dưới 100.000 đồng và chuyển sang hình thức nhận bằng email.
Theo khảo sát, hiện nay, phần lớn ngân hàng còn lại bán gói dịch vụ cố định với phí sms từ 5.000-15.000 đồng/tháng. Riêng HSBC, Hong Leong Bank là hai nhà băng đang miễn phí dịch vụ này tại Việt Nam.
Xu hướng của các nhà băng hiện nay là muốn chuyển dịch khách hàng từ dùng SMS Banking sang dịch vụ nhận thông báo qua ứng dụng ngân hàng. Nguyên nhân là các nhà băng đang chịu lỗ từ dịch vụ này.
Hiệp hội ngân hàng (VNBA) cho biết, các nhà mạng đang thu dịch vụ tin nhắn ngân hàng cao gấp ba lần tin nhắn của cá nhân. Mobifone và Vinaphone thu 820 đồng một tin nhắn, Viettel thu 785 đồng một tin nhắn. Nhiều nhà băng gánh lỗ trăm tỷ vì dịch vụ SMS Banking.
Với mức chi phí SMS quá lớn, các ngân hàng đang đẩy mạnh khuyến khích khách hàng chuyển sang các hình thức khác thay thế như nhận thông báo số dư qua ứng dụng ngân hàng (app) và xác thực giao dịch thông qua Smart OTP. Đặc điểm chung của các hình thức này là có độ bảo mật cao và đều miễn phí.
Cụ thể, Vietcombank đã khuyến cáo khách hàng thay thế SMS chủ động để tiết kiệm chi phí bằng cách đăng ký tính năng OTT Alert ngay trên VCB Digibank. Các bước thực hiện là: đăng nhập ứng dụng VCB Digibank - cài đặt - quản lý thông báo - nhận thông báo từ ngân hàng.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nếu xác thực giao dịch bằng OTP gửi qua tin nhắn SMS truyền thống, hạn mức giao dịch tối đa chỉ là 100 triệu đồng/giao dịch, nhưng nếu xác thực bằng Smart OTP, khách hàng có thể giao dịch với hạn mức lên tới cả tỷ đồng/giao dịch.
Được và mất khi hủy SMS Banking
Theo ghi nhận, sau khi các ngân hàng trong nước đồng loạt tăng giá phí tin nhắn thông báo biến động số dư, nhiều người dùng cho biết họ đã hủy dịch vụ này để chuyển hẳn sang dùng thông báo trên ứng dụng di động. Bên cạnh tiết kiệm chi phí, việc nhận thông báo biến động tài khoản qua app còn giúp hạn chế tình trạng lừa đảo tin nhắn hiện phổ biến.
Tuy nhiên, với những người dùng không sử dụng điện thoại thông minh, việc chuyển đổi sẽ gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, một số ngân hàng trộn lẫn biến động tài khoản với thông tin quảng cáo, gây phiền toái cho người dùng.
Theo ghi nhận, ứng dụng của nhiều ngân hàng lớn như BIDV, Vietinbank đang thông báo cả các dịch vụ, quảng cáo không nằm trong nhu cầu của người dùng. Cụ thể, nhiều người cho biết ứng dụng smart banking trên điện thoại của họ có thể thông báo tới 7-8 quảng cáo mỗi ngày, gây ảnh hưởng đến công việc. Bên cạnh đó, một số ngân hàng xử lý tốt thông báo trên ứng dụng như Techcombank, Vietcombank, MSB giúp người dùng dễ dàng quản lý trên điện thoại.
Ngoài ra, cần lưu ý rằng thông tin biến động số dư trên ứng dụng di động chỉ hoạt động khi có kết nối Internet. Do đó, trong một số trường hợp, người dùng sẽ không thể biết được biến động số dư nếu tài khoản gặp vấn đề khả nghi.
Vì thế, theo các chuyên gia ngân hàng, người tiêu dùng cần cân nhắc nhu cầu sử dụng của cá nhân mình để lựa chọn hình thức cho phù hợp. Người trẻ, thông thạo công nghệ, thường xuyên kết nối wifi thì hoàn toàn có thể sử dụng dịch vụ thông báo trên ứng dụng di động. Còn những người lớn tuổi, không rành công nghệ, điện thoại có thể không kết nối wifi thường xuyên thì nên dùng dịch vụ thông báo truyền thống qua tin nhắn để dễ kiểm soát biến động số dư của mình.