Ngân hàng khẳng định đã đạt mục tiêu giảm lãi suất, doanh nghiệp vẫn kiến nghị giảm thêm
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết mức lãi suất trung bình những khoản cho vay mới của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 2 - 2,2%, vượt hơn kỳ vọng từ đầu năm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng lãi suất cho vay vẫn cao và kiến nghị giảm thêm.
Theo các ngân hàng, lãi suất cho vay trung dài hạn sẽ được đánh giá lại 3 - 6 tháng một lần, bằng lãi suất cơ sở cộng với biên độ. Với mặt bằng lãi suất huy động giảm thì lãi suất cho vay cũng sẽ giảm, nên gần như không còn các khoản vay lãi suất cao.
Thế nhưng, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đặt vấn đề: Liệu ngân hàng rà soát ngay được không? Bởi, lãi suất các khoản vay cũ hiện vẫn rất cao.
Lãi suất đã giảm vượt hơn kỳ vọng từ đầu năm
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, ngay từ đầu năm đã tính toán mức độ ảnh hưởng của kinh tế thế giới, khả năng chống chịu trong nước để điều hành chính sách tiền tệ hướng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng.
Theo đó, NHNN đặt mục tiêu là cuối năm nay có thể giảm lãi suất trung bình tại các ngân hàng thương mại từ 1 - 1,5%. Để có dư địa cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và cho vay, NHNN đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành, với mức giảm tổng cộng 2% cho một số chỉ tiêu.
Thống kê của NHNN cho thấy, đến thời điểm hiện nay, mức lãi suất trung bình với những khoản cho vay mới đã giảm hơn kỳ vọng, giảm khoảng 2 - 2,2%.
Tại Vietcombank, mức lãi suất cho vay trung bình của tất cả các khoản cho vay ngắn, trung, dài hạn hiện cả mới và cũ chỉ là 5,94%, so với cuối năm 2022 đã giảm 1,75% và so với cùng kỳ năm ngoái đã giảm 0,29%.
Hoặc tại BIDV, lãi suất cho vay trung bình là 6,46%, so với cuối năm ngoái giảm 2,59% và so với cùng kỳ năm ngoái giảm 0,15%. Hiện, lãi suất cho vay ngắn hạn tại ngân hàng này chỉ quanh 6-6,5%, trung dài hạn 8 - 9%.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khẳng định lãi suất cho vay hiện vẫn còn cao. Ông Phạm Văn Triêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ, "những doanh nghiệp nhỏ rất cần thực tế" và không có chuyện lãi suất từ 5-8%/năm áp dụng cho các doanh nghiệp.
"Rất nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được mức lãi suất này, chỉ những doanh nghiệp làm ăn tốt, minh bạch mới được hưởng lãi suất như vậy. Mà để minh bạch thì phải có kết quả kiểm toán”, ông Triêm cho hay.
Đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest) cũng cho biết, lãi vay của công ty đã được giảm từ mức 10,5%/năm hồi tháng 6/2023 xuống 9,5%/năm. Dù vậy, ông cho rằng mức lãi suất này vẫn cao và đề nghị ngân hàng tiếp tục giảm thêm.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú thừa nhận, vẫn còn một số khoản cho vay trước đây - khi các ngân hàng thương mại huy động với lãi suất cao, có thể lãi suất đang neo cao vì độ trễ chính sách.
“Vẫn còn một số ngân hàng hiện nay mức cho vay bình quân còn cao, trên 9%. Tất cả những ngân hàng này đã được chúng tôi chỉ rõ và cũng đã yêu cầu phải tìm mọi biện pháp để giảm lãi suất", ông Tú nói.
Không còn nhiều dư địa để giảm thêm?
Liên quan đến vấn đề có ngân hàng cho vay lãi suất cao, có ngân hàng cho vay lãi suất thấp hơn, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank lý giải: "Lãi suất cho vay phụ thuộc năng lực, khả năng của mỗi ngân hàng, nhưng mặt bằng chung theo chỉ đạo của NHNN thì đã giảm rất mạnh. Một số ngân hàng có cơ cấu nguồn vốn giá rẻ cao, hay tiết giảm chi phí thì lãi suất cho vay có thể thấp hơn; còn một số ngân hàng nợ xấu cao, trích lập dự phòng sẽ đẩy giá vốn lên, dẫn đến lãi suất cao hơn…".
Với đề xuất ngân hàng giảm thêm lãi suất, ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB cho rằng hiện mặt bằng lãi suất cho vay đã rất thấp và với các khoản vay dài hạn, ngân hàng đang kinh doanh hòa vốn, nên kỳ vọng lãi suất thấp là rất khó. Bởi, lãi suất cho vay hiện thấp hơn cả giai đoạn trước Covid-19. Hiện, MB đang cho vay mới với khách hàng cá nhân khoảng 7-8%/năm, cho vay tổ chức 8-9%/năm; trong khi lãi suất thế giới đang rất cao, ở Mỹ lên đến 10%/năm, mà đồng tiền của Việt Nam so với đồng USD thì đang mất giá.
Hơn nữa, các ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn nhưng cho vay trung và dài hạn. Ngân hàng chỉ được sử dụng 30% vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, còn lại phải dùng nguồn vốn dài hạn.
“Để có vốn dài hạn, chúng tôi đang phải vay các tổ chức tín dụng, các định chế nước ngoài, lãi suất USD bình quân bây giờ 7-8%, giá vốn bình quân 6,5 – 7%/năm. Như vậy, cho vay trung và dài hạn với bất động sản ở mức 9-10% đã rất thấp so với thị trường thế giới, và cơ bản là các ngân hàng đang hòa vốn”, ông Ánh phân tích.
Tổng giám đốc MB cũng cho biết thêm, với các khoản huy động vốn trung và dài hạn, các ngân hàng huy động từ cuối năm 2022 và hết quý I/2023 với lãi suất 9-10%. Do đó, để giảm giá vốn thì phải có thời gian, đến khoảng quý II/2024 thì mới có giá vốn thấp được.
Đồng tình, Phó Tổng Giám đốc Techcombank Phùng Quang Hưng cũng cho rằng: “Cho vay, trung dài hạn bây giờ gần như không có lời”. Ông phân tích, trong hoạt động ngân hàng, việc huy động để cho vay trung dài hạn có chi phí rất cao. Ngân hàng càng khó hơn với quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã giảm xuống 30%.
Ông Hưng khẳng định, lãi suất cho vay cơ bản đã giảm nhiều. Chẳng hạn, tại Techcombank, lãi vay mua nhà đã giảm khoảng 3% từ đầu năm xuống còn khoảng 7-8%, tùy sản phẩm. Đối với cho vay doanh nghiệp bất động sản, lãi suất cơ bản giảm từ 2 - 2,5%.
Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV cũng cho biết, lãi suất các khoản cho vay trung dài hạn sẽ được ngân hàng đánh giá lại 3 - 6 tháng một lần, bằng lãi suất cơ sở cộng với biên độ. Với mặt bằng lãi suất huy động giảm thì lãi suất cho vay cũng sẽ giảm, nên gần như không còn các khoản vay lãi suất cao.
"NHNN cũng đã đề nghị các ngân hàng thương mại bằng mọi biện pháp, kể từ nay đến cuối năm phải tiết giảm lãi suất, kể cả những khoản cho vay trước đây, để đảm bảo hỗ trợ cho doanh nghiệp", Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin.