Ngân hàng kỳ vọng kinh doanh khởi sắc trong năm 2024

Chỉ còn vài ngày nữa là năm 2023 chính thức khép lại. Với diễn biến như hiện tại, nhiều ngân hàng chấp nhận 'lỡ hẹn' với mục tiêu kinh doanh của năm nay và gửi kỳ vọng vào sự khởi sắc của nền kinh tế trong năm 2024.

Năm 2024, các chính sách của Chính phủ và bộ ngành sẽ thẩm thấu, dự báo nền kinh tế ấm dần lên, khó khăn của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp được tháo gỡ... Nhờ đó, triển vọng kinh doanh của các ngân hàng được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn, nhưng mức độ khởi sắc đến đâu còn tùy thuộc vào đà phục hồi của nền kinh tế.

Nhiều nhà băng ‘lỡ hẹn’

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính (Trường Đại học kinh tế TP.HCM) đánh giá, 2023 là một năm đầy thách thức với ngành ngân hàng, khi tình hình khó khăn ở trong nước và quốc tế khiến hoạt động kinh doanh, tiêu dùng sụt giảm, tăng trưởng tín dụng khó khăn, chất lượng tài sản tiếp tục suy giảm.

Hồi đầu quý IV/2023, lãnh đạo nhiều ngân hàng kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu đã đạt đỉnh trong quý III và sẽ được kiểm soát trong giai đoạn cuối năm khi triển vọng nền kinh tế tích cực hơn, tình hình tài chính của khách hàng được cải thiện. Theo đó, thách thức vẫn còn, song sẽ có những cơ hội để ngân hàng phục hồi lợi nhuận.

Trong năm 2023, 13,8% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận suy giảm.

Trong năm 2023, 13,8% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận suy giảm.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính đến ngày 20/12, tăng trưởng tín dụng đạt 10,85%, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái và cách mục tiêu của cả năm 3,15%.

Tín dụng vẫn là mảng kinh doanh cốt lõi của nhiều ngân hàng, vì vậy tín dụng tăng chậm sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các nhà băng. Các chuyên gia tài chính cho rằng với các ngân hàng lớn hiện đã thực hiện được 70 - 80% mục tiêu lợi nhuận cả năm trong quý III/2023, thì việc hoàn thành kế hoạch năm 2023 không quá khó. Ngược lại, các nhà băng quy mô vừa và nhỏ không dễ đạt được mục tiêu, do sức cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế, rủi ro nợ xấu gia tăng, chi phí đầu vào tăng theo lãi suất huy động...

Điển hình, hết quý III, BaoVietBank mới thực hiện được 36% mục tiêu lợi nhuận cả năm (95 tỷ đồng); ABBank thực hiện được 25%; VietABank đạt 46%; VietBank đạt gần 44% kế hoạch lãi trước thuế cả năm…

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý IV/2023 đối với các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tình hình kinh doanh và lợi nhuận của hệ thống ngân hàng trong quý III/2023 chưa có sự cải thiện như kỳ vọng tại kỳ điều tra trước.

Các tổ chức tín dụng tiếp tục điều chỉnh thu hẹp kỳ vọng về tình hình kinh doanh và lợi nhuận trong thời gian tới, với 66,7 - 72,1% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện trong quý IV và cả năm 2023 (thấp hơn tỷ lệ 70,3 - 74,8% của kỳ điều tra trước), số tổ chức tín dụng lo ngại tình hình kinh doanh suy giảm tăng lên.

Có 82,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng, 13,8% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận suy giảm và 3,7% tổ chức tín dụng ước tính lợi nhuận không thay đổi so với năm 2022.

Kỳ vọng vào năm 2024

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định, có 4 điểm sáng có thể là nền tảng tạo bệ phóng cho kinh tế năm 2024, như tăng trưởng kinh tế năm nay vẫn giữ được trên 5%, kinh tế vĩ mô ổn định, mới đây tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm cho Việt Nam với triển vọng Ổn định… sẽ tác động tích cực đến đầu tư, thương mại thời gian tới.

Các chuyên gia kỳ vọng kinh tế khởi sắc sẽ thúc đẩy tín dụng tăng trưởng tích cực hơn trong bối cảnh các giải pháp của Chính phủ và NHNN đều xoay quanh việc tháo gỡ khó khăn dòng tiền cho doanh nghiệp giúp nền kinh tế tiếp cận được vốn vay tín dụng, mặt bằng lãi suất thấp là yếu tố bắt buộc phải được duy trì trong ít nhất 6-9 tháng tới. Đây sẽ là cơ hội cho các ngân hàng có thể gia tăng NIM.

Nhóm phân tích của Công ty chứng khoán MBS dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2024 sẽ đạt 13%-14% nhờ tăng trưởng GDP đang thể hiện xu hướng tích cực, lãi suất cho vay giảm mạnh. Bên cạnh đó, Chính phủ ban hành những chính sách hỗ trợ như Nghị định 08/2023/NĐ-CP với mục tiêu tháo gỡ vướng mắc pháp lý các dự án bất động sản và phát triển nhà ở xã hội góp phần thúc đẩy tín dụng cho thị trường này. Các hoạt động cho vay bán lẻ như cho vay tiêu dùng, mua nhà và mua xe sẽ được kích cầu mạnh mẽ trong môi trường lãi suất thấp.

Tín dụng tăng sẽ giúp lợi nhuận ngành ngân hàng cải thiện so với năm 2023. Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2023 chỉ tăng khoảng 5,2%. Bước sang năm 2024, khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi, thì tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng mới có thể khởi sắc, dự báo đạt 18,9%.

Kỳ vọng bức tranh kinh doanh năm 2024 sáng hơn năm 2023, song PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân bày tỏ quan ngại: “Nếu sang năm, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi được thông qua thì cũng phải cuối năm mới có hiệu lực. Với khoảng thời gian còn lại, ngân hàng sẽ rất khó để thu hồi nợ vay, kể cả với các khoản nợ có tài sản đảm bảo”.

Bản thân các ngân hàng đều tỏ ra lo lắng về tình hình nợ xấu khi Thông tư 02 hết hiệu lực vào tháng 6/2024, khiến các khoản nợ tái cơ cấu về đúng nhóm phân loại, các ngân hàng sẽ phải co hẹp cho vay. Vì vậy, các ngân hàng đề xuất NHNN tiếp tục gia hạn Thông tư 02 để gỡ khó cho doanh nghiệp, đồng thời cũng là giúp ngân hàng có thêm thời gian xử lý nợ xấu.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/ngan-hang-ky-vong-kinh-doanh-khoi-sac-trong-nam-2024-1097587.html