Ngân hàng lập 'hàng rào' chống tội phạm công nghệ cao

Các ngân hàng thương mại đang tích cực lập 'hàng rào số', áp dụng xác thực sinh trắc học để ngăn chặn những vụ lừa đảo khách hàng 'nhẹ dạ'...

“Gian nan” thuyết phục khách hàng

Mới đây, tại Phòng Giao dịch (PGD) Như Quỳnh Vietcombank Hưng Yên, bộ phận giao dịch viên (GDV) nhận được yêu cầu tất toán 2 sổ tiết kiệm của khách hàng T.T.N. Sau khi tiếp nhận, GDV Lê Xuân Tiến nhận thấy trạng thái hối thúc của khách hàng, nên đã làm chậm quy trình bằng cách hướng dẫn khách hàng cầm cố sổ tiết kiệm để đỡ mất phần lãi tiết kiệm. Trao đổi với khách hàng, GDV khai thác thêm được vụ việc xuất phát từ messenger là T.T.N được nhận một thùng quà gửi từ nước ngoài về. Do thùng quà có chứa 70.000 USD, nên bị Hải quan sân bay TP Hồ Chí Minh giữ lại. Đối tượng còn nhắn khách hàng T.T.N với nội dung: “Muốn nhận thùng hàng, cần chuyển 300 triệu đồng để làm thủ tục...”.

Xác thực sinh trắc học thông qua máy tính bảng đặt tại quầy giao dịch Vietcombank.

Xác thực sinh trắc học thông qua máy tính bảng đặt tại quầy giao dịch Vietcombank.

“Thời điểm đó, khách hàng kiên quyết đòi tất toán sổ tiết kiệm để chuyển tiền với suy nghĩ sẽ nhận được 70.000 USD, tương đương 1,75 tỷ đồng. Kiên trì thuyết phục, khách hàng đã bình tĩnh, lắng nghe cán bộ ngân hàng phân tích. Sau đó, khách hàng đồng ý không chuyển tiền, ngắt kết nối với đối tượng lừa đảo và trình báo với Công an thị trấn Như Quỳnh”, GDV Lê Xuân Tiến kể lại.

Tương tự, GDV của PGD Thái Hòa thuộc Agribank chi nhánh Hàm Yên (Tuyên Quang) cũng vừa ngăn chặn vụ lừa đảo bằng hình thức giả danh công an gọi điện thoại đe dọa người dân và bảo toàn 450 triệu đồng cho khách hàng.

Trước đó, ông L.V.H trú tại xã Thái Hòa nhận được cuộc gọi từ một số máy lạ, người kia tự xưng là trung úy Công an Lê Tuấn Anh yêu cầu ông H chuyển tiền để nộp phí điều tra về việc trốn thuế. Hoảng sợ, ông H mang sổ tiết kiệm ra PGD Thái Hòa để rút 450 triệu đồng để chuyển tới tài khoản đối tượng yêu cầu. Cán bộ, nhân viên PGD Thái Hòa đã hỗ trợ và ngăn chặn kịp thời.

Theo Agribank, năm 2023, nhân viên Agribank đã giúp khách hàng thoát khỏi hơn 170 vụ lừa đảo công nghệ cao, bảo vệ được tài sản trị giá gần 19 tỷ đồng trong tài khoản. Theo trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), các đối tượng lừa đảo ngày càng chuyên nghiệp, quy mô có tổ chức lên tới hàng trăm người, ngồi văn phòng, phân vai nhiệm vụ rõ ràng...

“Các kịch bản được các đối tượng lừa đảo ‘sáng tạo’ nhanh. Đơn cử, ngành ngân hàng thực hiện xác thực sinh trắc học, lập tức đã xuất hiện hình thức lừa đảo giả danh cán bộ ngân hàng hướng dẫn người dân xác thực sinh trắc học”, trung tá Triệu Mạnh Tùng cho biết.

26,3 triệu khách hàng đã xác thực sinh trắc học ngân hàng

Ông Lê Hoàng Tùng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, Vietcombank hiện đã cập nhật thông tin sinh trắc học thành công cho hơn 3,4 triệu khách hàng. Xác thực sinh trắc học sẽ giúp tài khoản ngân hàng của người dân được bảo mật tốt hơn, góp phần hạn chế các vụ lừa đảo qua mạng.

Chỉ riêng tháng 7/2024, ngay khi tính năng cảnh báo tài khoản lừa đảo được triển khai, MB đã cảnh báo cho 2.700 khách hàng khi giao dịch chuyển tiền và có 1.500 khách chủ động dừng giao dịch sau khi nhận khuyến cáo. MB là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam triển khai tính năng nhận diện thông tin tài khoản lừa đảo.

GDV Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Agribank chi nhánh Tây Sơn, Hà Tĩnh) phối hợp với cơ quan điều tra hỗ trợ khách hàng ngăn chặn vụ lừa đảo.

GDV Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Agribank chi nhánh Tây Sơn, Hà Tĩnh) phối hợp với cơ quan điều tra hỗ trợ khách hàng ngăn chặn vụ lừa đảo.

Theo ông Vũ Thành Trung, Phó Chủ tịch HĐQT phụ trách Chuyển đổi số của MB, đây là kết quả của sự phối hợp giữa MB và A05. MB cùng với A05 cập nhật danh sách tất cả tài khoản tham gia, hoặc có liên đới với hành vi lừa đảo trên toàn quốc. Danh sách này hiện có khoảng hơn 3.000 tài khoản, hàng ngày sẽ được cập nhật bổ sung. Trước mỗi giao dịch chuyển tiền, MB sẽ kiểm tra nhanh danh sách khả nghi để nhận diện tài khoản.

Ông Lê Văn Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, đến ngày 22/7, có 26,3 triệu khách hàng đã xác thực sinh trắc học thông qua căn cước công dân gắn chip. Khách hàng chỉ cập nhập sinh trắc học qua ứng dụng chính thức của ngân hàng hoặc tại quầy, không cung cấp qua bất kỳ đường link hoặc ứng dụng lạ; không cấp quyền cho đối tượng xấu để phá khóa, chiếm quyền điều khiển; không cung cấp thông tin cá nhân hay mã OTP và nâng cấp phần mềm kịp thời để bảo vệ.

“Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia (NCA) vừa ra mắt ứng dụng phòng chống lừa đảo NTRUST. Đây là ứng dụng miễn phí giúp người dân phát hiện các dấu hiệu lừa đảo thông qua kiểm tra số điện thoại, số tài khoản, đường dẫn trang web và mã QR. Sau 1 tuần ra mắt, ứng dụng đã có hơn 100.000 lượt tải trên cả 2 kho ứng dụng app store và google play, trong đó số người dùng thường xuyên khoảng 81.000 người. Đã có 27.000 lượt báo cáo về các số điện thoại, số tài khoản, website liên quan đến lừa đảo, làm phiền”, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật Công ty cổ phần Công nghệ An ninh mạng Quốc gia chia sẻ.

Minh Phương/ Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/ngan-hang-lap-hang-rao-chong-toi-pham-cong-nghe-cao-20240810075233958.htm