Ngân hàng linh hoạt, đồng bộ việc hỗ trợ lãi suất

Được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành trong tỉnh, ngành Ngân hàng Tuyên Quang đã triển khai linh hoạt, đồng bộ cơ chế, chính sách của tỉnh, nhất là những cơ chế, chính sách về hỗ trợ lãi suất tiền vay theo các nghị quyết, quyết định của HĐND, UBND tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với nông nghiệp và nông thôn. Cụ thể, Quyết định số 30/2012/QĐ-UBND, ngày 28-12-2012 của UBND tỉnh về việc cho hội viên nông dân vay phát triển chăn nuôi (trâu, bò, lợn) có kết hợp xây dựng hầm bể biogas; Quyết định số 303/QĐ-UBND, ngày 24-7-2012 của UBND tỉnh về cho hội viên tại các xã điểm xây dựng nông thôn mới vay vốn xây dựng công trình nhà tiêu và hệ thống chuồng trại chăn nuôi; Nghị quyết 10/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại và Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi; Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển HTX nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn…

Ngân hàng Agribank tích cực triển khai các cơ chế, chính sách của tỉnh đến khách hàng.

Ngân hàng Agribank tích cực triển khai các cơ chế, chính sách của tỉnh đến khách hàng.

Đồng chí Trịnh Ngọc Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết, chưa bao giờ nguồn lực đầu tư cho khách hàng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn lại đươc ưu tiên như những năm gần đây. Để cơ chế, chính sách của tỉnh đi vào cuộc sống, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn vay, qua đó đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng nông thôn mới. Kết quả đó được thể hiện qua những con số đầy ấn tượng. Cụ thể, từ năm 2012 đến nay, doanh số cho vay theo Quyết định 30 và 303 đạt gần 150 tỷ đồng; doanh số cho vay theo Nghị quyết số 10 đạt hơn 186 tỷ đồng, Nghị quyết số 12 đạt gần 162 tỷ đồng và doanh số cho vay theo Nghị quyết số 05 là hơn 9,6 tỷ đồng… Nguồn vốn tín dụng đã giúp hàng nghìn hộ dân được vay vốn, đầu tư phát triển kinh tế nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Với vai trò chủ lực phát triển nông nghiệp nông thôn, Agribank tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tiếp cận nguồn vốn, phát triển sản xuất. Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà khang trang, chị Nguyễn Thị Tâm, thôn Phúc Ninh, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) phấn khởi nói, thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển kinh tế trang trại, năm 2016, gia đình chị được Agribank huyện Yên Sơn cho vay 500 triệu đồng đầu tư chăn nuôi và trồng cây ăn quả, đầu tư kinh doanh phân bón phục vụ nhu cầu người dân địa phương. Hiện giờ, gia đình chị đã có 700 cây bưởi đang cho thu hoạch, nuôi 6 con lợn nái và chị đang chuẩn bị điều kiện để chăn nuôi lợn thịt với số lượng từ 100 - 150 con/năm… Doanh thu từ mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của gia đình chị đạt 700 - 800 triệu đồng/năm. Sau khi trừ chi phí còn lãi 200 - 300 triệu đồng. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã giúp gia đình chị có thêm nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Cùng với nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng CSXH tỉnh đã tạo điều kiện cho hàng nghìn hội viên của các tổ chức hội vay vốn. Trong đó, có hơn 1.500 lượt hộ được vay vốn với tổng doanh số cho vay qua các năm đạt hơn 27 tỷ đồng theo Quyết định số 30; gần 1.500 lượt hộ được vay vốn với tổng doanh số qua các năm là hơn 13 tỷ đồng theo Quyết định 303; trên 2.000 khách hàng được vay vốn với tổng doanh số cho vay đạt trên 111 tỷ đồng theo Nghị quyết 12/2014/NQ-HĐND…

Để nguồn vốn đến với người nông dân một cách kịp thời theo đúng các chương trình, chính sách của tỉnh, của ngành, hàng năm Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã tổ chức làm việc với các ngân hàng để đánh giá tình hình triển khai các cơ chế, chính sách của tỉnh; làm việc với UBND các xã điểm xây dựng nông thôn mới, lắng nghe ý kiến và kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho người dân để việc triển khai các cơ chế, chính sách của tỉnh kịp thời, thuận lợi. Qua quá trình làm việc, Ngân hàng Nhà nước tỉnh nhận thấy những bất cập trong việc thanh toán tiền hỗ trợ lãi suất vay vốn theo Nghị quyết số 10, Nghị quyết số 12 cho người dân còn chậm, quy trình, thủ tục chưa phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan phối hợp ban hành hướng dẫn liên ngành sửa đổi một số nội dung về thực hiện trình tự, thủ tục thanh toán hỗ trợ lãi suất tiền vay theo Nghị quyết số 10/2014/NQ-HĐND, Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Theo đó, từ quý I-2021, khách hàng vay vốn theo Nghị quyết số 10, Nghị quyết số 12 không phải nộp toàn bộ số tiền lãi phát sinh trong quý như trước đây mà chỉ phải nộp phần tiền lãi chênh lệch không được ngân sách tỉnh hỗ trợ.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tỉnh tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng để có kiến nghị, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương các biện pháp quản lý những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, những bất cập của cơ chế, chính sách cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế; tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn triển khai các chương trình, chính sách tín dụng phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Bài, ảnh: Hải Hương

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/tai-chinh-thuong-mai/ngan-hang-linh-hoat-dong-bo-viec-ho-tro-lai-suat-138057.html