Ngân hàng nào nắm nhiều TPDN nhất quý 1/2023?
Những diễn biến khó khăn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) khiến các ngân hàng dường như không còn 'mặn mà' với kênh đầu tư này. Top ngân hàng cầm nhiều trái phiếu nhất quý 1/2023 đều đồng loạt giảm lượng nắm giữ.
Theo thống kê của Mekong ASEAN từ báo cáo tài chính của 28 ngân hàng thương mại có thể thấy, tính đến thời điểm 31/03/2023, Ngân hàng Quân đội - MB Bank là nhà băng đứng đầu hệ thống về giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang nắm giữ là 45.470 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD). Mặc dù con số này đã giảm nhẹ khoảng 3% so với 46.870 tỷ đồng ghi nhận cuối năm 2022.
Trong đó, chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế phát hành có giá trị trên 42.341 tỷ đồng, giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với cuối năm ngoái. Đây là các trái phiếu có kỳ hạn từ 33 tháng đến 15 năm và có lãi suất từ 3,79% đến 10,5%/năm. Ngoài ra, MB còn có hơn 3.100 tỷ đồng chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành (đến ngày đáo hạn) có kỳ hạn từ 4 năm đến 10 năm lãi suất từ 8,9% đến 10,5%/năm.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý 1/2023, MB ghi nhận hoạt động chính là thu nhập lãi thuần đạt hơn 10.227 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là nguồn thu duy nhất tăng trưởng trong quý đầu năm tại ngân hàng này.
Tuy nhiên, trong kỳ, ngân hàng trích gần 1.850 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 13% do đó MB vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 6.512 tỷ đồng. Nếu so với kế hoạch 26.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đề ra cho cả năm 2023, MB đã thực hiện được gần 25% mục tiêu sau quý đầu năm.
Vị trí thứ hai thuộc về Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam - Techcombank khi khép lại quý 1/2023 vừa qua, giá trị trái phiếu doanh nghiệp ngân hàng này nắm giữ gần 37.800 tỷ đồng (khoảng 1,6 tỷ USD).
Đáng chú ý, nếu như cuối năm 2021, Techcombank dẫn đầu với 62.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, thì đến cuối năm 2022, ngân hàng này đã giảm giá trị nắm giữ xuống 41.000 tỷ đồng. Ba tháng đầu năm 2023, Techcombank lại tiếp tục hạ số lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ thêm hơn 3.200 tỷ đồng.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank dù giảm gần 4.700 tỷ đồng giá trị trái phiếu nắm giữ so với đầu năm song VPBank vẫn nằm trong Top 3 khi nắm giữ gần 28.200 tỷ đồng tính đến cuối quý 1/2023.
Tương tự, quý đầu năm 2023, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong - TPBank cũng giảm lượng nắm giữ hơn 1.100 tỷ đồng, về gần 20.500 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, chỉ có SHB - Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội là ngân hàng duy nhất trong Top 5 tăng tỷ lệ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp so với đầu năm lên mức 13.119 tỷ đồng, từ mức 12.659 tỷ đồng, tương đương mức tăng 3,6%.
Những diễn biến khó khăn từ thị trường TPDN khiến các ngân hàng không còn "mặn mà" với kênh đầu tư này. Top 5 ngân hàng nắm giữ nhiều trái phiếu nhất quý 1/2023 cũng đã giảm tổng lượng nắm giữ xuống hơn 145.000 tỷ đồng.
Ngân hàng tích cực mua lại trái phiếu trước hạn
Theo báo cáo mới nhất về thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của FiinRatings, sau tháng 3 sôi động, thị trường TPDN tháng 4 đã quay trở lại trạng thái trầm lắng khi chỉ ghi nhận duy nhất một lô trái phiếu riêng lẻ trị giá 671 tỷ đồng.
Điều này dẫn đến quy mô phát hành của tháng 4 chỉ tương đương 2,5% so với tháng 3 và chỉ bằng 2,25% của cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, quy mô trái phiếu mua lại trước ngày đáo hạn trong tháng 4 cũng theo chiều hướng sụt giảm khi đạt gần 11.300 tỷ đồng, giảm 41,6% so với tháng trước và giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022. Hoạt động mua lại chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng, chiếm 61% giá trị trái phiếu mua lại.
Đáng chú ý, giá trị trái phiếu ngân hàng được mua lại tăng 5,64 lần so với tháng trước và tăng 2,42 lần so với cùng kỳ năm 2022, đến từ các ngân hàng lớn như BIDV, VPBank, Sacombank, VIB. Hầu hết các lô TPDN (8/12) được các ngân hàng mua lại có kỳ hạn ba năm và có thời gian đáo hạn còn lại là một hoặc hai năm.
Báo cáo đầu tháng 4 của Chứng khoán VNDirect cho biết, trong năm 2023, ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 232.600 tỷ đồng.
Trong đó quý 2/2023 sẽ có khoảng hơn 70.954 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, tăng 127% so với quý 1. Bất động sản vẫn là nhóm chịu áp lực đáo hạn trái phiếu lớn nhất, chiếm gần 40% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý này. Đứng thứ 2 là nhóm tài chính ngân hàng với tỷ lệ chiếm hơn 37% tổng giá trị đáo hạn.
Sang quý 2 sẽ có khoảng hơn 70.954 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Đến quý 3, VNDirect ước tính sẽ có 77.738 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Và quý 4/2023 là 52.321 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn.
Ngân hàng được trao quyền mua lại trái phiếu, kỳ vọng gì từ chính sách mới?
Mới đây, NHNN đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 24/4/2023.
Một trong những điểm đáng lưu ý nhất của Thông tư 03 là ngưng hiệu lực khoản 11 điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN. Theo đó, Thông tư 03 cho phép tổ chức tín dụng được mua lại TPDN chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán và/hoặc TPDN chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với TPDN chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu được xếp hạng ở mức cao nhất theo quy định xếp hạng tín dụng nội bộ của tổ chức tín dụng tại thời điểm gần nhất trước khi tổ chức tín dụng mua TPDN.
Nhóm nghiên cứu của FiinRatings nhận định Thông tư 03 tạm thời gỡ nút thắt thanh khoản trên thị trường khi cho phép các tổ chức tín dụng mua lại TPDN mà không cần chờ sau một năm. Đồng thời giúp ổn định tâm lý của tổ chức phát hành và nhà đầu tư khi dòng vốn tạm thời được đảm bảo trước áp lực đáo hạn lớn sắp tới. Thông tư 03 cũng sẽ góp phần giảm tỷ trọng nắm giữ TPDN của nhà đầu tư cá nhân, đưa thị trường về trạng thái cân bằng và ổn định hơn khi tài sản được nắm giữ bởi nhà đầu tư tổ chức.
Mặc dù vậy, Thông tư 03 cũng giới hạn doanh nghiệp có trái phiếu được mua lại phải ở mức xếp hạng tín dụng nội bộ cao nhất của tổ chức tín dụng. FiinRatings cho biết phần lớn các tổ chức phát hành có sức khỏe tín dụng hoặc xếp hạng tín nhiệm ở mức thấp, do đó các trái phiếu này khó đáp ứng được tiêu chí mà Thông tư 03 đưa ra.
Ngoài ra, việc thực hiện quy định doanh nghiệp phát hành phải được xếp hạng tín dụng nội bộ ở mức cao nhất sẽ gặp phải khó khăn do có thể có nhiều cách hiểu trong nội dung này. Xếp hạng tín dụng nội bộ được quy định trong Thông tư 11/2021/TTNHNN do các ngân hàng xây dựng và triển khai.
Theo FiinRatings, mức xếp hạng cao nhất theo Thông tư 03 có thể hiểu là mức điểm cao nhất trong hệ thống tín dụng nội bộ quy định tại Thông tư 11, nhưng cũng có thể giải nghĩa là mức điểm cao nhất trong nhóm các TPDN trong danh mục TPDN chưa niêm yết mà ngân hàng thương mại đã bán, hoặc mức cao nhất trong từng nhóm ngành nghề mà doanh nghiệp phát hành nằm trong nhóm đó. Do vậy, các ngân hàng thương mại sẽ cần được hướng dẫn cụ thể hơn để tránh việc áp dụng sai quy định này.
Bên cạnh đó, cần lưu ý là hiệu lực của Thông tư 03 chỉ kéo dài đến hết năm 2023, do đó các tổ chức tín dụng sẽ tập trung giải quyết những lô trái phiếu đã/đang đáo hạn trước mắt nhằm giải tỏa áp lực nợ. Do vậy, đây chỉ là giải pháp tạm thời ít tạo ra thanh khoản thực cho thị trường TPDN.