Ngân hàng nhà nước bơm ròng kỷ lục 8 năm

Ngân hàng Nhà nước bơm ròng gần 22.500 tỷ đồng qua OMO, ngừng phát hành tín phiếu, nhằm giảm áp lực lãi suất liên ngân hàng.

OMO trúng thầu chủ yếu ở kỳ hạn 7 – 28 ngày

OMO trúng thầu chủ yếu ở kỳ hạn 7 – 28 ngày

Ngày 24/7, Ngân hàng Nhà nước tăng cường bơm tiền vào hệ thống ngân hàng thông qua kênh thị trường mở (OMO).

Theo đó, cơ quan này đã chào thầu cho vay cầm cố giấy tờ giá tổng cộng 61.000 tỷ đồng với lãi suất cố định 4%, gồm 17.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 7 ngày; 27.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 14 ngày; 12.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 28 ngày và 5.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 91 ngày.

Kết quả, gần 47.200 tỷ đồng được bơm vào thị trường gồm có 14.431,76 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 7 ngày, 22.703,96 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 14 ngày, 9.939,49 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 28 ngày và 100,85 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 91 ngày.

Sau khi khấu trừ lượng OMO đáo hạn, dòng tiền ròng đưa vào hệ thống đạt gần 22.500 tỷ đồng, nâng tổng lượng OMO đang lưu hành lên 187.282 tỷ đồng, mức cao nhất trong hơn 8 năm.

Việc ngân hàng đẩy mạnh bơm tiền kỳ vọng hạ nhiệt lãi suất liên ngân hàng. Dữ liệu mới nhất ghi nhận trong phiên 23/7 lãi suất chào bình quân liên ngân hàng qua đêm đã tăng lên 5,26%/năm, trong khi kỳ hạn một tháng là 5,02%.

Trước đó, NHNN cũng đã có nhiều phiên bơm ròng lượng lớn thanh khoản vào cuối tháng 6 khi lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh.

NHNN đã và đã quyết liệt thực hiện các giải pháp điều hành nghiệp vụ thị trường mở để giảm mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng để đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn thanh khoản cho các ngân hàng. Qua đó hỗ trợ các ngân hàng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay theo đúng định hướng, chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Việc duy trì lãi suất thấp cũng áp lực lên tình hình tỷ giá . Dù chỉ số DXY đo sức mạnh đồng USD đã giảm 10% từ đầu năm, tỷ giá USD/VND vẫn tăng khoảng 3%. Sự mất giá của đồng Việt Nam được lý giải một phần bởi mặt bằng lãi suất thấp trong nước, khiến chênh lệch lãi suất giữa VND và USD nghiêng về tiêu cực, từ đó kích thích nhu cầu nắm giữ ngoại tệ.

Tại họp báo của Ngân hàng Nhà nước ngày 8/7, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cho rằng DXY giảm do những thay đổi chính sách nhanh chóng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, tiền đồng mất giá vì Ngân hàng Nhà nước muốn duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ cho doanh nghiệp, nền kinh tế.

Ngoài ra, dòng vốn ngoại liên tục rút khỏi thị trường chứng khoán từ năm 2024 đến nay cũng là yếu tố gây áp lực lên thị trường ngoại hối, bất chấp cán cân thương mại vẫn trong trạng thái thặng dư.

Lam Giang

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/ngan-hang-nha-nuoc-bom-rong-ky-luc-8-nam-d41301.html