Ngân hàng Nhà nước dẫn đầu bảng xếp hạng PAR INDEX năm 2022

Các cơ quan vừa công bố kết quả Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS 2022); Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2022).

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trở lại vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng PAR INDEX 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ với điểm Chỉ số CCHC là 91,77%. Đây là lần thứ 7 Ngân hàng Nhà nước đứng đầu PAR INDEX sau 6 năm đứng đầu liên tiếp (2014-2020), riêng năm 2021 xếp vị trí thứ 3.

Theo đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu xây dựng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện đại, tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước luôn coi trọng công tác cải cách hành chính, xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu và luôn thể hiện sự quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục, trước hết từ nhận thức, sau đến hành động, từ Thống đốc đến toàn thể cán bộ công chức và người lao động ngành ngân hàng.

Trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng đã và đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trước những diễn biến phức tạp, khó lường bởi tình hình thế giới, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bằng sự quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và sự nỗ lực chung trong toàn ngành, ngành ngân hàng đã kịp thời ban hành và triển khai nhiều chính sách cụ thể để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp, khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát, tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trở lại vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng PAR INDEX 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ với điểm Chỉ số CCHC là 91,77%.

Ngân hàng Nhà nước đã tập trung chỉ đạo triển khai toàn diện 6 lĩnh vực cải cách hành chính, trọng tâm vào 3 trụ cột đó là: cải cách hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở hiện đại hóa đồng bộ hóa hạ tầng cơ sở; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và công chức công vụ nói riêng.

Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước, trong đó đề xuất đơn giản hóa 6 quy định (gồm 5 chế độ báo cáo và 1 thủ tục hành chính) thuộc 4 nhóm ngành nghề kinh doanh.

Ngày 8/11/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của Ngân hàng Nhà nước (Quyết định số 1361/QĐ-TTg).

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ký ban hành 1 Nghị định và ban hành theo thẩm quyền 6 Thông tư để cắt giảm, đơn giản hóa 27/27 quy định về Hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2022.

Trong năm 2022 và quý 1/2023, cùng với việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định hoạt động kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 8 thông tư sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa 35 thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, người dân.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã triển khai bộ nhận diện thương hiệu tại tất cả Bộ phận một cửa thuộc Ngân hàng Nhà nước; Tổ chức số hóa hồ sơ và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa để giảm bớt gánh nặng hồ sơ cho các tổ chức, cá nhân; tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia...

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ngan-hang-nha-nuoc-dan-dau-bang-xep-hang-par-index-nam-2022-post748718.html