Ngân hàng Nhà nước dự thảo sửa đổi điều kiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ
Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế và Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trong giai đoạn năm 2000, hoạt động giao thương của cư dân biên giới tại khu vực biên giới của Việt Nam và các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia ngày càng phát triển. Đặc biệt khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc, hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa cư dân hai nước diễn ra sôi động.
Nhu cầu giao dịch tiền tệ với các nước chung biên giới là rất lớn. Ảnh: T.L
Quy định mới về tỷ lệ an toàn trong hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam Sẽ có quy định mới về lưu ký giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt
Từ đó phát sinh nhu cầu sử dụng tiền của nước có chung biên giới với Việt Nam trong trao đổi, buôn bán hàng hóa, dịch vụ, thanh toán hàng hóa tiêu dùng tại khu vực biên giới.
Về mặt thực tiễn, hoạt động của bàn đổi ngoại tệ cá nhân tại khu vực biên giới nhằm phục vụ nhu cầu thu đổi nhỏ lẻ tiền của nước có chung biên giới, chủ yếu để thanh toán cho nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa phục vụ đời sống sản xuất, kinh doanh buôn bán nhỏ của cư dân biên giới cũng như khách du lịch qua lại hai bên khu vực biên giới.
Trong giai đoạn mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng tại khu vực biên giới còn chưa phát triển, hoạt động của bàn đổi ngoại tệ cá nhân đã tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của cư dân biên giới, khách du lịch và nhu cầu thanh toán xuất nhập khẩu tiểu ngạch, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mòn, lối mở.
Trong giai đoạn hiện nay, hệ thống mạng lưới của tổ chức tín dụng tại khu vực biên giới Việt Nam và ba nước Trung Quốc, Lào, Campuchia đã phát triển mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế khu vực biên giới. Nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của người dân được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Trong việc sử dụng tiền của nước có chung biên giới với Việt Nam, ngoài thực hiện theo các quy định chung về quản lý ngoại hối còn thực hiện theo quy định tại các Hiệp định giữa Việt Nam và các nước có chung biên giới.
Vì vậy, hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới cũng cần có những điều kiện, quy định riêng nhằm đảm bảo kiểm soát chặt chẽ đồng thời vẫn tạo thuận lợi cho hoạt động sử dụng đồng tiền của nước có chung biên giới./.
Quy định xử phạt hành chính cũng cần thay đổi cho phù hợp
Ngoài ra, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với đại lý đổi ngoại tệ hiện nay đang được quy định tại Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (Nghị định 88). Trong trường hợp bổ sung đối tượng là tổ chức kinh tế được hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới thì phải có các quy định về xử lý vi phạm đối với hoạt động này để cơ quan chức năng có cơ sở kiểm tra, xử lý.
Như vậy, cần thiết phải sửa đổi Nghị định 88 để bổ sung các hành vi vi phạm đối với hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới.