Ngân hàng Nhà nước nói gì về kiến nghị bỏ gói tín dụng mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100?
Sau 7 năm triển khai gói vay mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100, vẫn chưa có doanh nghiệp nào tại Bắc Ninh tiếp cận được, vì vậy Sở Xây dựng kiến nghị nên bỏ gói tín dụng này.
Tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh mới đây, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục giảm lãi suất đối với gói tín dụng nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, nên bỏ gói vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100 của Chính phủ, vì cho đến nay, chưa doanh nghiệp nào trên địa bàn tỉnh tiếp cận được.
Gói vay mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100 được triển khai từ năm 2016, tại Ngân hàng Chính sách xã hội và 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước gồm: Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank.
Lãi suất cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cho từng thời kỳ. Hiện, mức lãi suất áp dụng đang là 4,8%/năm, thấp hơn nhiều so với mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà nói chung.
Còn lãi suất cho vay tại các tổ chức tín dụng được chỉ định do NHNN xác định và công bố trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong cùng thời kỳ.
Tuy nhiên, đến nay, sau 7 năm triển khai, về phía chủ đầu tư, chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được gói vay này.
Nguyên nhân, theo ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đối với việc cho vay qua các tổ chức tín dụng (TCTD) được chỉ định, đến nay, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đều đã ban hành đầy đủ quy trình triển khai cho vay, nhưng lại chưa thể triển khai. Nguyên nhân là do ngân sách Nhà nước chưa bố trí được nguồn ngân sách cấp bù lãi suất.
“Đây là gói mà cơ chế cho vay là các ngân hàng cho vay và được cấp bù lãi suất, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, các ngân hàng không có nguồn cấp bù để triển khai”, ông Bắc thông tin và cho biết, NHNN cũng như Bộ Xây dựng đã có nhiều ý kiến, kiến nghị Chính phủ bố trí nguồn cho việc cấp bù lãi suất.
Còn với kênh qua Ngân hàng Chính sách xã hội, đại diện NHNN cho hay, hiện Chính phủ chỉ cho vay với người mua nhà, còn với chủ đầu tư, Chính phủ đang có đề án, khi đề án được duyệt thì mới thực hiện.
Tuy nhiên, ngay cả cho vay với người mua nhà cũng đang gặp khó, vì khách hàng của Ngân hàng Chính sách xã hội chủ yếu các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo ở các vùng khó khăn.
Đối với các doanh nghiệp, bản thân Ngân hàng Chính sách xã hội chưa có kinh nghiệm cho vay các doanh nghiệp bất động sản, cần phải nâng cấp trình độ cán bộ, mạng lưới, quy trình thì mới triển khai được.
“Do đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng đề án, sau khi duyệt đề án mới thực hiện duyệt cho vay các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội. Hiện, Ngân hàng Chính sách xã hội đang xây dựng, trình Chính phủ duyệt nên chủ đầu tư chưa vay được. NHNN sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án”, ông Bắc thông tin.
Cũng theo đại diện NHNN, Chính phủ đã nhận diện được những vấn đề này, theo đó, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Nghị định 100 để trong thời gian tới đẩy mạnh cho vay nhà ở xã hội.
Trước thực trạng khó khăn nêu trên, Chính phủ đã giao NHNN nghiên cứu các gói đẩy mạnh cho vay nhà ở xã hội, NHNN đã đề xuất Chính phủ ban hành gói 120 nghìn tỷ đồng, dùng nguồn lực các ngân hàng, không dùng ngân sách.
“Kinh nghiệm nếu dùng ngân sách thì thủ tục sẽ kéo dài, tâm lý e ngại của doanh nghiệp sau này thanh tra, kiểm tra, do đó, NHNN tham mưu Chính phủ dùng nguồn lực của các ngân hàng thương mại, mong muốn đơn giản, đỡ phức tạp hơn, triển khai nhanh, đi vào cuộc sống nhanh”, ông Bắc nói.
NHNN đã ban hàn văn bản hướng dẫn, các ngân hàng sẽ dựa trên quy chế cho vay sẵn có. Hiện có 9 UBND tỉnh gửi văn bản công bố danh mục dự án tham gia chương trình tới NHNN với 23 dự án và 1 UBND tỉnh (Phú Thọ) công bố trên Cổng thông tin điện tử với 3 dự án; tổng nhu cầu vay vốn của 26 dự án này là khoảng 12,8 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, BIDV đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 1 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ tham gia chương trình với số tiền cấp tín dụng khoảng 95 tỷ đồng và đã giải ngân 20,5 tỷ đồng. Agribank cũng đã cấp tín dụng đối với 1 dự án với số tiền cam kết cấp tín dụng là 950 tỷ đồng, dự kiến giải ngân trong quý III.
Tuy nhiên, hiên nay, nhiều ý kiến cho rằng lãi suất áp dụng cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thuộc dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư… là quá cao so với khả năng tài chính của đối tượng là người có thu nhập thấp. Đồng thời, quy định các mức lãi suất của gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng được xác định định kỳ 6 tháng một lần làm cho tâm lý của người vay bất an.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần giảm lãi suất về mức tiện cận với mức lãi suất của gói vay mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100 và kéo dài thời gian áp dụng mức lãi vay đó.
Phản hồi đề xuất giảm thêm lãi suất gói 120 nghìn tỷ đồng, bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho hay, do gói này hoàn toàn dùng nguồn lực từ các TCTD, do đó, lãi suất sẽ phải cao hơn so với gói vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tuy nhiên, mức lãi suất này cũng đã rất thấp so với mặt bằng chung và thấp hơn mức 10% mà Sở Xây dựng Bắc Ninh đề xuất. Theo đó, lãi suất áp dụng đối với người mua nhà 7,7%/năm, chủ đầu tư 8,2%/năm...