Ngân hàng Nhà nước tỉnh: Kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro

Diễn biến thị trường tiền tệ từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh được đánh giá khá ổn định. Theo đó, nguồn vốn từ các ngân hàng (NH), tổ chức tín dụng (TCTD) đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế với tổng dư nợ tăng 4,7% so với đầu năm. Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an toàn nguồn vốn cũng được các NH đặc biệt quan tâm, nhất là đối với những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như giao dịch lan đột biến (LĐB), bất động sản (BĐS) và chứng khoán.

Nhờ nguồn vốn vay ngân hàng, nhiều hộ dân xã Nhuận Trạch (Lương Sơn) có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh, tính đến hết quý I/2021, tổng nguồn vốn của các NH, TCTD trên địa bàn đạt 30.737 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2020, trong đó, vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư 24.096 tỷ đồng, tăng 2.081 tỷ đồng, tương đương 9,5%, đáp ứng 94% tỷ trọng vốn đầu tư cho vay. Vốn huy động của các NH, TCTD tiếp tục tăng trưởng ổn định; huy động tiền gửi tiết kiệm từ dân cư chiếm tỷ trọng 78,5% so với vốn huy động.

Các TCTD thực hiện lãi suất huy động và lãi suất cho vay theo quy định của NHNN Việt Nam. Cụ thể, lãi suất đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng bằng đồng Việt Nam của các TCTD từ 0,1 - 0,2%/năm. Loại có kỳ hạn từ 1 - dưới 6 tháng từ 3 - 4%/năm đối với ngân hàng thương mại (NHTM) và từ 4 - 4,2% năm đối với Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND).

Cũng theo NHNN tỉnh, tính đến cuối tháng 3/2021, tổng dư nợ toàn địa bàn của các NH, TCTD đạt 25.768 tỷ đồng, tăng 1.153 tỷ đồng, tương đương 4,7% so với cuối năm 2020. Trong đó, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên 4,5%/năm (đối với NHTM), 5,5%/năm (đối với QTDND). Lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh thông thường: ngắn hạn tại các NHTM phổ biến 7 - 10,5%/năm, trung và dài hạn 5,9 - 12,7%/năm; QTDND ngắn hạn từ 9,1 - 10,2%/năm, trung dài hạn từ 10,2 - 11,6%/năm. Đối với lãi suất cho vay tiêu dùng loại ngắn hạn của các NHTM dao động từ 7 - 11,5%/năm, trung và dài hạn từ 8,5 - 13%/năm, QTDND từ 11 - 12,2%/năm.

Đáng chú ý, tỷ lệ dư nợ cho vay các lĩnh vực ưu tiên không thay đổi trong nhiều năm qua, như: Dư nợ cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 61,5% tổng dư nợ; dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 20,6% tổng dư nợ; các lĩnh vực ưu tiên khác dư nợ thấp: dư nợ cho vay xuất khẩu 45 tỷ đồng, dư nợ cho vay công nghiệp hỗ trợ 22 tỷ đồng. Đối với chất lượng tín dụng, nợ xấu nội bảng 258 tỷ đồng, chiếm 1% tổng dư nợ.

Về những kết quả triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, theo đồng chí Ngô Quang Lợi, Phó Giám đốc NHNN tỉnh, thời gian qua, các TCTD trên địa bàn tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ khó khăn cho khách hàng theo quy định tại Thông tư số 01 của NHNN Việt Nam và các văn bản bổ sung, hướng dẫn đến khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ phù hợp với tình hình hoạt động thực tế của từng khách hàng và đảm bảo theo đúng quy định.

Đặc biệt, NHNN tỉnh cũng chỉ đạo các NH tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động cho vay các giao dịch có nguy cơ rủi ro cao đối với hoa LĐB gen; tăng cường công tác quản lý sử dụng vốn đảm bảo đúng mục đích, mang lại hiệu quả thực chất đối với phát triển KT - XH, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn.

Cũng theo đồng chí Ngô Quang Lợi, trong thời gian qua, các NH, TCTD thực hiện tốt các giải pháp tiền tệ và hoạt động NH; bám sát chủ trương của Chính phủ, định hướng và chỉ đạo của NHNN Việt Nam, kế hoạch phát triển KT - XH của tỉnh; nguồn vốn huy động trong dân cư ổn định; tăng trưởng tín dụng cao hơn so với cùng kỳ những năm trước, tỷ lệ nợ xấu thấp.

Trong thời gian tới, NHNN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các NH tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động cho vay các giao dịch có nguy cơ rủi ro cao như hoa LĐB gen. Giám sát các NH, TCTD chấp hành thực hiện tốt quy định về lãi suất huy động, lãi suất cho vay; các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng với khách hàng theo quy định của NHNN Việt Nam. Đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn của các dự án, phương án sản xuất - kinh doanh hiệu quả, ưu tiên vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ... Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như BĐS, chứng khoán, tăng cường quản lý rủi ro cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng, hoạt động cho vay các giao dịch có nguy cơ rủi ro cao theo chỉ đạo của Tỉnh ủy về LĐB gen.

Hồng Trung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/151455/ngan-hang-nha-nuoc-tinhkiem-soat-chat-che-nguon-von-tin-dung-doi-voi-linh-vuc-tiem-an-nhieu-rui-ro.htm