Ngân hàng Nhật Bản muốn sớm mua lại Ngân hàng Xây dựng
Trước sự sốt sắng của Chủ tịch Ngân hàng J Trust Nhật Bản về việc muốn tham gia tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng 'đây là thời cơ rất tốt cho tâp đoàn và thời gian không chờ ai cả'.
Cắt lỗ, hướng đến doanh nghiệp nhỏ và vừa
Nhân dịp dự Hội nghị G20, chiều 29/6, tại Osaka, Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp một số lãnh đạo Tập đoàn Nhật Bản đã và sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
Chúc mừng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị G20, Chủ tịch Ngân hàng J.Trust Nhật Bản bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến việc tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng (CBBank). Chủ tịch Ngân hàng J.Trust cho biết đã dành nhiều thời gian nghiên cứu tình hình của Ngân hàng Xây dựng (CBBank) và đã gửi bản chào tham gia mua lại để tái cơ cấu ngân hàng này đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo lãnh đạo J.Trust, các chỉ số tài chính của CBBank đã được tính toán và lối ra với ngân hàng này là ưu tiên cắt lỗ, hướng đến khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là các doanh nghiệp của Nhật đang làm ăn ở Việt Nam.
“Chúng tôi tin tưởng trong thời gian ngắn sẽ cải tổ được CBBank, đưa ngân hàng này lấy lại vị thế trước đây”, lãnh đạo J.Trust khẳng định, đồng thời bày tỏ mong muốn trở thành cầu nối đưa nhiều hơn doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào Việt Nam, bởi hiện các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất.
Đánh giá cao J.Trust muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng tại Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, quá trình tham gia phải phù hợp với các quy định pháp luật của Việt Nam. Thủ tướng đề nghị J. Trust khẩn trương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tiến hành các công việc cần thiết, đồng thời nhấn mạnh, các đối tác tham gia vào quá trình tái cơ cấu các ngân hàng tại Việt Nam phải là những ngân hàng có tiềm lực tài chính, trình độ quản trị hiện đại, có phương án tái cấu trúc rõ ràng.
Thủ tướng cho biết Việt Nam cũng phấn đấu đến 2020 sẽ có 1 triệu công ty nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, do chính sách tín dụng với khối này chưa có ưu đãi riêng mà vẫn hòa chung với các doanh nghiệp khác nên đây sẽ là thị trường tiềm năng lớn. Thủ tướng đề nghị Tập đoàn J.Trust lập phương án chi tiết gửi Ngân hàng Nhà nước, để Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ xem xét quyết định. “Đây là thời cơ rất tốt cho tâp đoàn và thời gian không chờ ai cả”, Thủ tướng nói.
Đa dạng hóa chuỗi cung ứng xăng dầu
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tiếp Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn JXTG, ông Tsutomu Sugimori. Cùng dự có Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Phạm Văn Thanh. Thủ tướng hoan nghênh sự hợp tác giữa Tập đoàn JXTG với Petrolimex trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và áp dụng các phương pháp quản trị tiên tiến, quản lý tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, và công nghệ hiện đại của Nhật Bản tại Petrolimex.
Cảm ơn Thủ tướng dành thời gian tiếp, Chủ tịch Tập đoàn JXTG trình bày kế hoạch hợp tác đầu tư với Petrolimex và mong muốn được Thủ tướng tiếp tục ủng hộ trong thời gian tới. JXTG là Tập đoàn năng lượng số một Nhật Bản, đã mua cổ phần và trở thành đối tác chiến lược của Petrolimex từ năm 2016.
Theo đó, ông Tsutomu Sugimori nêu tổng quan một số nội dung về dự án dự kiến hợp tác triển khai cùng Petrolimex với mục tiêu giúp Việt Nam đa dạng hóa chuỗi cung ứng xăng dầu, bảo đảm an ninh năng lượng, cung cấp cho thị trường Việt Nam các sản phẩm xăng dầu chất lượng theo tiêu chuẩn cao của nhà máy lọc dầu tại Nhật Bản, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn môi trường trong xu thế mới của Việt Nam, và mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Ghi nhận ý kiến của ông Tsutomu Sugimori, Thủ tướng cho rằng, cần nghiên cứu, đánh giá kỹ càng dự án để làm sao bảo đảm hiệu quả đầu tư và giao Petrolimex báo cáo cụ thể, chi tiết về dự án này trước khi có chủ trương chính thức.