Ngân hàng NN&PTNT Tam Đảo vượt khó, phát triển hiệu quả, an toàn

Với nhiều giải pháp linh hoạt, tích cực và đồng bộ, những năm gần đây, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tam Đảo (Agribank Tam Đảo) có sự tăng trưởng tín dụng ấn tượng, trở thành chi nhánh có số dư nợ tín dụng cao của Agribank Vĩnh Phúc 2, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM trên địa bàn huyện Tam Đảo.

Nhờ được vay 300 triệu đồng từ Agribank Tam Đảo, hộ ông Lê Xuân Thủy, thôn Quan Ngoại, xã Tam Quan nuôi 5000 gà để, mỗi năm thu lãi trên 200 triệu đồng

Nhờ được vay 300 triệu đồng từ Agribank Tam Đảo, hộ ông Lê Xuân Thủy, thôn Quan Ngoại, xã Tam Quan nuôi 5000 gà để, mỗi năm thu lãi trên 200 triệu đồng

Trước năm 2015, Agribank Tam Đảo gặp nhiều khó khăn do số dư tín dụng thấp, nợ xấu, nợ khó đòi chiếm tỷ lệ cao. Được sự quan tâm của lãnh đạo Agribank Vĩnh Phúc 2, chi nhánh đã kiện toàn bộ máy tổ chức, xốc lại đội hình, phân công lại lao động, bố trí cán bộ trẻ có trình độ, nhiệt tình đảm nhiệm các vị trí chủ chốt, đổi mới tư duy kinh doanh, đề ra nhiều giải pháp kinh doanh sát thực, linh hoạt, hiệu quả, an toàn.

Trong đó, chú trọng đầu tư tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân; các dự án có tiềm năng, triển vọng, nhất là đầu tư chăn nuôi, trồng cây ăn quả. Đồng thời lựa chọn các phân khúc thị trường, các đối tượng khách hàng; mở rộng các loại hình dịch vụ tiện ích trong dịch vụ thanh toán, ngân quỹ; ứng dụng chương trình IPCAS (tự động hóa toàn ngành); dịch vụ chuyển tiền điện tử trong nước, mua bán ngoại tệ, chi trả kiều hối, mở thẻ ATM; chính sách ưu đãi với khách hàng tiềm năng, khách hàng gắn bó lâu bền với đơn vị.

Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức và đổi mới thái độ, phong cách phục vụ của đội ngũ cán bộ tín dụng, các giao dịch viên; phân công cán bộ tín dụng có năng lực, uy tín bám sát địa bàn, tìm kiếm khách hàng có tiềm năng để huy động vốn tại chỗ, khoán huy động vốn cụ thể đến phòng, tổ và từng người lao động nhằm khai thác tối đa nguồn vốn trong các tầng lớp dân cư và các thành phần kinh tế.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm dịch vụ mới; tăng cường điều tra địa bàn, điều tra khách hàng, tiếp cận hộ kinh doanh lớn, hộ kinh doanh vừa và nhỏ, hộ vay vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực, đến hết tháng 4/2022, nguồn vốn huy động của chi nhánh đạt 1.028 tỷ (tăng gấp hơn 5 lần năm 2017), tăng 87 tỷ đồng so đầu năm, tốc độ tăng 9,2%. Tổng dư nợ cho vay đạt 1.013 tỷ đồng, tăng 10 tỷ đồng so đầu năm.

Từ nguồn vốn trên, chi nhánh đã giải quyết cho trên 3.600 khách hàng được vay vốn phục vụ SXKD, trong đó tỷ lệ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 96% tổng dư nợ. Các món vay tập trung chủ yếu SXKD và phát triển chăn nuôi.

Riêng chương trình phối hợp cùng Hội Nông dân huyện, các Tổ trưởng tổ vay vốn để cho vay các phục vụ nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55/NĐ-CP với trên 2.400 hội viên và trên 375 tỷ đồng dư nợ.

Bà Trần Thị Hường, thôn Quang Minh, xã Minh Quang cho biết: Nhờ được vay hơn 2,2 tỷ đồng của Agribank Tam Đảo, gia đình có điều kiện mở rộng quy mô chuồng trại chăn nuôi lợn. Hiện gia đình đang duy trì 850 con lợn thịt, 100 lợn nái trong chuồng. Doanh thu năm 2021, đạt trên 14 tỷ đồng, lợi nhuận từ chăn nuôi đạt trên 500 triệu đồng; giải quyết việc làm cho 6 lao động với mức lương từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Ông Lê Xuân Thủy, thôn Quan Ngoại, xã Tam Quan được vay 300 triệu của Agribank Tam Đảo đầu tư nuôi 5000 gà đẻ. Doanh thu bán sản phẩm trứng đạt 3 tỷ đồng/năm; lợi nhuận sau khi trừ chi phái lãi 200 triệu đồng; giải quyết việc làm cho 3 lao động địa phương với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/tháng....

Ông Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc chi nhánh Agribank Tam Đảo cho biết: Để đồng vốn phát huy hiệu quả cao nhất, chi nhánh coi trọng công tác thẩm định, kiểm tra trước trong và sau khi giải ngân dự án; tư vấn cho hộ được vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Bên cạnh đó, cập nhật mức lãi suất để điều chỉnh kịp thời khi huy động và lãi suất cho vay theo từng thời điểm hợp lý, đảm bảo 100% các dự án được giải ngân đúng người, đúng địa chỉ và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Song song với huy động và cho vay vốn, chi nhánh tiếp tục chỉ đạo thu hồi vốn và lãi quá hạn số nợ xấu, nợ ngoại bảng; quyết tâm không để phát sinh nợ quá hạn bao gồm gốc và lãi, đặc biệt không để nợ xấu phát sinh.

Chủ động mọi điều kiện để tranh thủ nguồn vốn đầu tư, phục vụ cho chương trình xây dựng nông thôn mới; sớm tổ chức giải ngân, quay vòng vốn triệt để theo hạn mức giao; luân chuyển khách hàng vay vốn theo hướng phân loại khách hàng và lựa chọn các dự án có hiệu quả.

Năm 2022 và những năm tiếp theo, chi nhánh tiếp tục phát triển vào thị trường nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Trong đó, ưu tiên đầu tư vào các hộ kinh tế trang trại, hộ SXKD lớn, sản xuất hàng hóa trong nông thôn, các làng nghề, các đại lý lớn cho các hãng SXKD có thương hiệu ở khu vực nông thôn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa SXKD truyền thống làm ăn có hiệu quả.

Mở rộng cho vay tiêu dùng, thấu chi tới các dối tượng hưởng lương từ ngân sách. Giao chỉ tiêu tới từng cán bộ tín dụng, đồng thời tổ chức rà soát nợ đến hạn, quá hạn, nợ đã khó thu, đến từng khách hàng, từ đó tổ chức phân tích tìm biện pháp hạ thấp nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh, hạn chế trích lập dự phòng rủi ro vừa tăng thu tài chính cho đơn vị.

Bài, ảnh: Xuân Hùng

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/77807/ngan-hang-nnptnt-tam-dao-vuot-kho-phat-trien-hieu-qua-an-toan.html