Ngân hàng nộp ngân sách thế nào?

Theo báo cáo tài chính của Agribank - ngân hàng 100% vốn Nhà nước và 27 NHTMCP (bao gồm cả các ngân hàng có phần vốn góp của Nhà nước như Vietcombank, BIDV, VietinBank), trong 6 tháng đầu năm 2024, số thuế thu nhập doanh nghiệp của các ngân hàng này là 30.800 tỷ đồng, tăng 8,82% so với cùng kỳ năm trước.

Trong số các ngân hàng đóng thuế thu nhập doanh nghiệp cao trong 6 tháng đầu năm 2024, Vietcombank đứng đầu với số thuế thu nhập doanh nghiệp là 4.016 tỷ đồng, tăng 0,18% so với cùng kỳ. Kế tiếp là BIDV với 2.945 tỷ đồng, tăng tương ứng 11,67%. Với Agribank, mặc dù số thuế thu nhập doanh nghiệp giảm khoảng 1,05% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm nay nhưng do quy mô kinh doanh lớn nên vẫn đứng vị trí thứ ba trong các NHTM có số thuế thu nhập doanh nghiệp nộp vào ngân sách cao nhất. Trong khi VietinBank giữ vị trí thứ năm, đạt 2.437 tỷ đồng, tăng 4,43%.

Còn vị trí thứ tư thuộc về Techcombank với số thuế thu nhập doanh nghiệp nộp trong 6 tháng đầu năm nay là 2.528 tỷ đồng, tăng tới 36,88% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý hơn, LPBank 6 tháng đầu năm nay đã có số thuế thu nhập doanh nghiệp vượt lên trên 1.198 tỷ đồng, tăng tới 142% so với cùng kỳ. LPBank mới thay đổi tên gọi và nhận diện thương hiệu từ LienVietPostBank sang thành Ngân hàng Lộc Phát (LPBank) và hoạt động kinh doanh cũng chuyển từ tập trung vào nông nghiệp nông thôn ở khu vực miền Tây Nam bộ sang phát triển ở đô thị, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, tỷ trọng huy động vốn và dư nợ tín dụng của LPBank trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh luôn chiếm lần lượt khoảng 60% và gần 50% của ngân hàng này, theo số liệu của NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, các ngân hàng khác có số thuế thu nhập doanh nghiệp nộp vào ngân sách Nhà nước cao trong 6 tháng đầu năm nay còn có MB (2.470 tỷ đồng), ACB (2.029 tỷ đồng), VPBank (1.670 tỷ đồng), HDBank (1.579 tỷ đồng). Riêng SHB giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 28% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm nay nhưng vẫn nằm trong “nhóm ngàn tỷ” (1.436 tỷ đồng)…

Vietcombank tiếp tục dẫn đầu về nộp thuế thu nhập doanh nghiệp

Vietcombank tiếp tục dẫn đầu về nộp thuế thu nhập doanh nghiệp

Bên cạnh đó, các NHTM không chỉ đóng góp vào ngân sách Nhà nước thông qua thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng trong cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, mà còn đóng góp rất lớn qua phí và lệ phí…

Trong những năm qua, các NHTM có vốn Nhà nước tăng vốn chậm lại, trong khi khối NHTMCP tư nhân liên tục tăng vốn và nâng tổng tài sản lên nhanh chóng. Nhiều NHTMCP tư nhân như VPBank, Techcombank, MB… hiện nay có quy mô vốn, thị phần, khách hàng lớn hơn các NHTM Nhà nước. Theo số liệu thống kê của NHNN Việt Nam, hiện nay tỷ trọng tín dụng của nhóm “Big4” chỉ còn chiếm khoảng 54% tổng dư nợ toàn hệ thống, trong khi tỷ lệ này chiếm trên 70% trong giai đoạn trước năm 2010.

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định, tốc độ tăng tài sản nhanh của nhóm các NHTMCP tư nhân kéo theo tỷ lệ cho vay ra nền kinh tế tăng nhanh, từ đó tỷ trọng nộp ngân sách Nhà nước của khối NHTMCP tư nhân đã chiếm trên 50% của hệ thống các NHTM. Năm ngoái, chỉ tính riêng 10 NHTMCP tư nhân đã nộp ngân sách Nhà nước đứng thứ hai, sau Tập đoàn Dầu khí. Với tiềm lực vốn lớn, các ngân hàng còn là lực lượng chủ yếu mua trái phiếu Chính phủ để thúc đẩy đầu tư công trong các dự án hạ tầng giao thông, bến bãi, sân bay… Điều này cho thấy các ngân hàng có vai trò quan trọng là “bà đỡ”, trụ cột trong nền kinh tế.

Hải Nam

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/ngan-hang-nop-ngan-sach-the-nao-154610.html