Ngân hàng phải đi trước trong cách mạng 4.0
Ngày 24 -10, Diễn đàn 'Việt Nam về ngân hàng và tài chính' lần thứ tư năm 2019 do Hiệp hội Các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam, Học viện Ngân hàng, Hiệp hội Quốc tế vì Sự phát triển của Kinh tế - Tài chính, Trường Kinh doanh IPAG và Trường kinh doanh Nam Champagne (Pháp) phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.
Diễn ra trong 3 ngày (từ 24 đến 26-10), sự kiện nhằm mục tiêu tạo ra một diễn đàn học thuật cho các học giả, nghiên cứu sinh và nhà làm thực tiễn trình bày kết quả nghiên cứu, thảo luận về các vấn đề thách thức trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, tiền tệ và kinh tế vĩ mô. Diễn đàn được tổ chức với 39 phiên thảo luận, gồm 3 phiên tổng thể, 36 phiên song song với 121 báo cáo được lựa chọn trình bày, giới thiệu, trong đó, 2 phiên chuyên đề về “Ngân hàng Trung ương và hoạt động quản lý” và “Công nghệ tài chính và công nghệ quản lý”.
Tại diễn đàn, các chuyên gia sẽ cùng nhau trao đổi và thảo luận các chủ đề tài chính – ngân hàng như quản trị doanh nghiệp, tài chính doanh nghiệp, định giá và phân bổ tài sản, quản lý danh mục đầu tư và rủi ro, tài chính hành vi, tính hiệu quả của thị trường, thị trường tài chính ở các quốc gia mới nổi, phát triển tài chính xanh và bền vững, thị trường vốn trong bối cảnh hội nhập, liên kết tài chính và vĩ mô, hoạt động ngân hàng tại các quốc gia châu Á, quy định trong hoạt động ngân hàng, fintech...
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN nhận định, diễn đàn được tổ chức rất đúng thời điểm, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, khi tăng trưởng chậm lại xảy ra nhanh hơn so với dự kiến. Mới đây, Quỹ tiền tệ quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 ở mức 3%, giảm 0,3% so với mức dự báo hồi tháng 4-2019. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính – suy thoái kinh tế 2008.
Ngoài ra, kinh tế thế giới còn phải đối mặt với tình trạng rủi ro và bất ổn gia tăng, nhất là xung đột thương mại, điều chỉnh chính sách giữa các nền kinh tế lớn và những biến động khó lường trên thị trường tài chính, tiền tệ.
Theo đại diện NHNN, Chính phủ Việt Nam đã xác định rõ vai trò của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tận dụng được những cơ hội mà cuộc cách mạng này mang lại có thể giúp các nước đang phát triển như Việt Nam rút ngắn khoảng cách phát triển kinh tế với các quốc gia tiên tiến.
Do đó, ngành ngân hàng cần nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức từ tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm nâng cao sức cạnh tranh, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển của ngành ngân hàng Việt Nam so với khu vực và thế giới.
Đáng chú ý, trong phần trình bày tham luận và hàm ý chính sách cho thị trường tài chính mới nổi như Việt Nam, GS.TS Brian Lucey, giảng viên Trường ĐH Trinity College Dublin (Ireland) cho rằng, Việt Nam cần hoàn thiện hơn nữa khung chính sách về việc các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu lần đầu ra thị trường (IPO), trong đó cần đặc biệt chú ý đến quy định về bán đấu giá, định giá tài sản doanh nghiệp, năng lực quản trị và đánh giá của các cơ quan chức năng, cách tổ chức cấu trúc IPO… sao cho phù hợp.
Theo GS.TS Brian Lucey, Việt Nam là một thị trường tài chính mới nổi, có những đặc thù riêng, nên những chính sách cần phải linh hoạt và phù hợp.