Ngân hàng Sacombank (STB): Lãi quý 3 tăng 32%, tổng tài sản vượt 700.000 tỷ đồng
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Sacombank (mã cổ phiếu STB) đã hoàn thành gần 77% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Ngân hàng Sacombank, mã cổ phiếu STB - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt gần 2.752 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.
Động lực tăng trưởng chính đến từ thu nhập lãi thuần với mức tăng trưởng 31,2%, đạt 6.365 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lãi từ hoạt động dịch vụ cũng tăng 5%, đạt gần 756 tỷ đồng.
Qua đó, bù đắp lại sự suy giảm của một số mảng kinh doanh phụ như kinh doanh ngoại hối (giảm 27%), mua bán chứng khoán (giảm 61%)…
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Sacombank ghi nhận 8.094 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước; hoàn thành 76,4% kế hoạch lợi nhuận được Đại hội đồng cổ đông giao.
Tính đến cuối tháng 9/2024, tổng tài sản của nhà băng này tăng 4,2% so với hồi đầu năm, đạt gần 703.000 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt tăng 18% lên mức 8.901 tỷ đồng, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước cũng tăng 20% lên 15.840 tỷ đồng và cho vay khách hàng tăng 9% lên 525.493 tỷ đồng.
Về phía nguồn vốn, tiền gửi khách hàng tại Ngân hàng Sacombank tăng 11% lên 566.724 tỷ đồng. Phát hành giấy tờ có giá tăng 20% lên 34.706 tỷ đồng, chủ yếu do tăng trái phiếu phát hành cho tổ chức tín dụng kỳ hạn dưới một năm 3.500 tỷ đồng và giấy tờ có giá kỳ hạn 1-5 năm với tổng giá trị 21.162 tỷ đồng.
Theo cập nhật mới đây của Chứng khoán DSC, đối với việc hoàn tất Đề án tái cơ cấu vốn được triển khai từ năm 2016 đến nay, Ngân hàng Sacombank hiện chỉ còn vướng mắc duy nhất về việc xử lý khoản nợ xấu được đảm bảo bằng bằng 32,5% vốn cổ phần của nhóm ông Trầm Bê đang được VAMC nắm giữ.
Lượng cổ phần này của ông Trầm Bê tại Ngân hàng Sacombank được thế chấp tại VAMC để vay 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, nhằm giúp ngân hàng giải quyết khủng hoảng thanh khoản tại thời điểm sát nhập Ngân hàng Phương Nam vào năm 2015.
Ngân hàng Sacombank đã trình phương án lên Ngân hàng Nhà nước để được chủ động xử lý khoản nợ trên theo hình thức đấu giá từ năm 2023. Các khoản nợ này cũng đã được Ngân hàng Sacombank trích lập đầy đủ, vì vậy việc đấu giá thành công sẽ giúp ngân hàng ghi nhận một khoản lợi nhuận đột biến từ hoàn nhập dự phòng. Từ đó sẽ trực tiếp tác động tích cực đến hệ số an toàn vốn của ngân hàng.
Với hệ số vốn dày hơn cùng với bảng cân đối kế toán "khỏe mạnh" hơn sau giai đoạn tái cấu trúc sẽ là động lực giúp Ngân hàng Sacombank được cấp hạn mức (room) tín dụng cao hơn, tạo dư địa cho tăng trưởng thu nhập lãi thuần.
Bên cạnh đó, vốn hóa của Ngân hàng Sacombank mới chỉ bằng một nửa, thậm chí là một phần ba so với các ngân hàng cùng quy mô như Ngân hàng ACB và Ngân hàng Techcombank. Do đó, việc bán vốn thành công cũng sẽ trực tiếp giúp giá cổ phiếu STB được "tái định giá", theo Chứng khoán DSC.